GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, cả thế giới đang căng mình chống dịch, liên tục có ca mắc và tử vong. Đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi nhân loại chưa nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin COVID-19, việc chống dịch sẽ còn nhiều nan giải.
Vắc-xin phòng COVID-19 được thử nghiệm trên chuột.
"Sản xuất vắc xin là ưu tiên của các quốc gia trên thế giới với hy vọng ngăn chặn được dịch bệnh, đưa nhân loại quay trở lại cuộc sống bình thường. Nếu không có vắc xin COVID-19, khó có thể đưa chúng ta quay lại bình thường", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Việt Nam là một trong 142 quốc gia có thể sản xuất được vắc xin. Riêng với vắc xin COVID-19, trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin để chủ động trong cung ứng, có cơ chế bảo đảm tiếp cận vắc xin trên thế giới nhanh nhất.
Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc sản xuất vắc xin này khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vắc xin, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ và các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.
Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị thành lập quỹ vắc xin để tiếp cận vắc xin nhanh nhất, bảo đảm cho người dân được bảo vệ tốt nhất.
"Việt Nam kỳ vọng sẽ có vắc xin COVID-19 nửa cuối năm 2021", ông Nguyễn Thanh Long cho hay.
Theo đó vắc xin do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế nghiên cứu, được phát triển trên công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi nên đã đánh giá được tính an toàn trên động vật. Viện đã gửi mẫu vắc xin sang Mỹ để đánh giá độc tính trên động vật thí nghiệm. Sắp tới sẽ sản xuất lô vắc xin để có thể tiến hành thử nghiệm trên người (thử nghiệm lâm sàng) vào cuối năm.
Ngoài ra vắc xin COVID-19 của Vabiotech thử nghiệm trên chuột có kết quả hết sức khả quan, đáp ứng miễn dịch tốt.
Như vậy, tháng 7/2021 Việt Nam có thể có vắc-xin COVID-19 do trong nước sản xuất.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo về khung pháp lý cho việc nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký và sử dụng vắc xin COVID-19 nhằm rút ngắn thời gian.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, cụ thể Bộ Y tế đề xuất rút ngắn thời gian các quy trình nghiên cứu sản xuất, kiểm định, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, theo dõi sử dụng vắc xin.
Chẳng hạn thời gian đăng ký nghiên cứu thử nghiệm trên lâm sàng trước đây mất khoảng 2 tháng thì nay rút ngắn chỉ khoảng 10 ngày. Hay thời gian phê duyệt nghiên cứu thử trên lâm sàng trước đây mất 3 tháng thì nay chỉ trong vòng một tháng sẽ hoàn thiện việc thẩm định hồ sơ và phê duyệt các hồ sơ liên quan, thẩm định về mặt khoa học, đạo đức…
Ngoài ra, trước đây nhà sản xuất phải hoàn thiện hết từng giai đoạn của thử nghiệm lâm sàng thì mới chuyển sang giai đoạn tiếp theo, thì nay có thể song song.
Chẳng hạn: Giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng là 3 tháng thì khi đi được một nửa chặng đường, có thể tiến hành thẩm định nếu an toàn có thể chuyển sang giai đoạn 2 và tiếp tục theo dõi giai đoạn 1.
Bộ Y tế cho biết, hiện tại Việt Nam ghi nhận 408 ca nhiễm COVID-19. Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 23/7, đã 98 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 23/7, Việt Nam có tổng cộng 268 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.597, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 136; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.888. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 573. |