Ve chai, đồng nát được xem là nghề nặng nhọc và nhiều vất vả. Những người theo nghề thừa nhận nếu không có sự nhẫn nại, tỉ mỉ, và sợ vất vả, khổ sở, không chịu được ánh nhìn khinh khi của người khác,… thì không thể theo nghề này.
Chị Vân (quê Nam Định) cho biết đồ nghề của những người làm nghề ve chai, đồng nát khá đơn giản gồm: chiếc xe đạp cà tàng hay đôi gang gánh, một chiếc cân móc nhỏ, vài chiếc bao để đựng phế liệu, và một cọc tiền lẻ. Hiện nay cũng có những người sắm hẳn xe máy, cùng chiếc loa nhỏ ghi sẵn tiếng rao mua bán ve chai, đồng nát, hàng ngày len lỏi từng ngõ ngách để thu mua đủ thứ thượng vàng hạ cám như: thùng xốp, sách cũ, bìa các tông, đồng, nhôm, gang, sắt vụn,...
Ve chai, đồng nát được đổi đời lên bán ở các sàn thương mại điện tử
Theo chị Vân, mỗi ngày những người làm nghề như chị có thể đạp xe tới 20 đến 30 cây số để thu mua những thứ mà người khác bỏ đi. Và cái gọi là đồ bỏ đi của người khác có thể chính là bữa cơm có thịt hay đồng học phí ít ỏi cho những đứa con nhỏ ở quê sớm phải xa cha mẹ vì gánh nặng mưu sinh. Chị chia sẻ, công việc của mình bắt đầu từ 7 giờ sáng hàng ngày. Nếu sáng mua được nhiều thì trưa về bán lại ngay tại bãi đồng nát ở khu vực Cầu Giấy hoặc Tân Triều. Nếu không thì cuối ngày mới đến “đổ” tại các bãi đồng nát này.
Nghề đồng nát cũng có tính “thời vụ”, thường thì vào những ngày nghỉ cuối tuần thu nhập của người buôn đồng nát sẽ cao hơn. Bởi người dân, sinh viên thường đi làm, đi học suốt tuần, đến cuối tuần họ mới có thời gian dọn dẹp nhà cửa, thanh lý bớt những đồ phế phẩm không còn dùng đến. Khi “trúng mối” thì có thể được 300.000 – 500.000 một ngày, nhưng hôm nào không may thì kiếm được 100.000 cũng khó. Bên cạnh đó, các dịp lễ tết cũng là dịp “làm ăn được” của đội ngũ thu mua đồng nát. Chuyện dân mua đồng nát vô tình nhặt được vàng hay tiền trong những món đồ bỏ đi mua được cũng không hiếm gặp.
Tuy nhiên, những người làm nghề thu mua đồng nát truyền thống như chị Vân đang phải cạnh tranh quyết liệt với những người, đơn vị thu mua đồng nát chuyên nghiệp. Hoạt động kinh doanh này ngày càng trở nên sôi động trên các trang mạng xã hội và giờ đây ve chai, đồng nát cũng bắt đầu lấn sân sang các sàn thương mại điện tử.
Theo đó, chỉ cần nhập từ khóa “đồng nát”, trên các trang thương mại điện tử xuất hiện rất nhiều combo đồ bỏ đi như giấy vụn, chai nhựa hay các đồ điện tử hỏng được chủ nhân rao bán rầm rộ. Anh Linh, chủ một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử tại Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, việc lựa chọn các linh kiện điện tử như nguồn, điện thoại cũ, linh kiện vi tính,... từ những mối buôn đồ cũ, đồ thanh lý trên các sàn thương mại diện tử, hội nhóm ẩn chứa nhiều may rủi. May mắn thì mua được đồ cũ giá "ngon" vẫn sử dụng được, kém may hơn thì mua phải đồ đã hỏng hoàn toàn.
Nhiều người, gia đình đã giàu lên từ việc thu mua các mặt hàng thuộc diện ve chai, đồng nát
Trên các sàn thương mại điện tử, những mặt hàng ve chai, đồng nát được rao bán theo combo với giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng tùy mặt hàng. Với những đồ linh kiện điện tử vẫn còn có thể tái sử dụng sẽ có giá cao hơn, khoảng 25.000 đồng/kg. Nhiều người có sản phẩm lỗi mốt cũ kĩ, do không có nhu cầu sử dụng tới nên cũng đăng bán với danh nghĩa là hàng đồng nát sắt vụn để thu hút khách hàng hơn tránh lãng phí.
Anh Tuấn (một đầu mối thu mua phế liệu tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết anh không mấy bất ngờ khi những mặt hàng “đồng nát” đang được rao bán nhiều bên cạnh những mặt hàng mới trên sác sàn thương mại điện tử. Ông chủ vựa phế liệu này cho biết từ lâu đã thường xuyên lên các hội nhóm, diễn đàn về ve chai, sắt vụn để săn những đồ bỏ đi của người khác. Anh cho biết nhiều người do nhanh nhạy trong kinh doanh nên đã giàu lên từ nghề được xem là nặng nhọc này.