Mùa hè khiến cho nhu cầu sử dụng điện tăng lên đáng kể, kéo theo đó là nỗi lo về giá điện, đặc biệt là với sinh viên và những người lao động ngoại thành đang thuê trọ tại Hà Nội bởi họ đang phải trả giá điện sinh hoạt cao gấp đôi so với quy định.
Chị Lê Thị Hoa, thuê trọ tại Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết suốt 2 năm nay mình phải trả số tiền 4.000 đồng/số điện. Dù biết đắt nhưng cũng phải chấp nhận vì đây là “giá chung” của các khu trọ tại khu vực này.
Khu trọ nhà chị Hoa có 4 phòng cho thuê với giá 1.200.000 đồng/phòng, người thuê trọ chủ yếu là lao động tự do, lương bấp bênh nên phải ở khu nhà cấp 4 giá rẻ. Tuy nhiên, giá điện luôn ở mức 4.000 đồng/kWh nên mùa hè, nếu dùng điều hòa thường xuyên thì tiền điện còn cao hơn cả tiền phòng.
Để chống nóng mùa hè, chị Hoa phải mang bếp ga ra ngoài hành lang nấu.
“Tháng nào tôi cũng phải trả 300.000-500.000 đồng tiền điện mặc dù rất hạn chế sử dụng các thiết bị điện. Phòng trọ 15m2 với 2 bóng đèn led, 2 cái quạt, 1 cái tủ lạnh nhỏ, 1 nồi cơm điện mà mùa đông tháng nào cũng hơn 400.000 đồng tiền điện. Mùa hè, tiền điện lên đến 700-800.000 đồng/tháng. Năm ngoái, tôi sinh con nhỏ, vì trời nóng nên phải bật điều hòa thường xuyên, cuối tháng nhận hóa đơn thanh toán 1.280.000 đồng cho 320 số điện mà “buốt ruột”. chị Hoa nói.
Chồng làm xe ôm, vợ đi thu mua đồng nát, lương bấp bênh mà thu nhập bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên năm nay, để hạn chế tối đa chi phí tiền điện, vợ chồng chị Hoa đã mua lưới đen về căng phía trên mái nhà trọ, chuyển bếp ga ra bên ngoài nấu và không dùng điều hòa.
“Ngày đi làm, tối về nếu nóng quá thì tôi lấy nước lạnh lau giường chiếu, phun nước lên mái nhà cho giảm nhiệt. Hôm nào nóng quá mới dám bật điều hòa một lúc thôi chứ không dám bật cả đêm. Chịu nóng chút không sao chứ không có tiền trả tiền nhà trọ thì họ “hót” ngay ra đường”, chị Hoa thở dài.
Lắp điều hòa nhưng cả tháng chị Hoa không dám bật vì tiền điện quá cao.
Trong những ngày nắng nóng gần đây, nhiệt độ trong nhà luôn ở khoảng 40 độ C, không chỉ những người lao động nghèo, hàng loạt các bạn sinh viên cũng “méo mặt” vì phải nghĩ ra đủ cách để chống chọi với thời tiết mà không tốn quá nhiều tiền điện.
Khảo sát tại nhiều khu trọ tập trung đông sinh viên như khu vực Cầu Giấy (gần HV Báo chí Tuyên truyền, Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội), đường Giải Phóng (gần Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng), đường Tây Sơn (gần Đại học Công đoàn, Đại học Thủy lợi), hầu hết các xóm trọ đều thu tiền điện với giá 4.000 - 5.000 đồng/kWh.
Nguyễn Minh Anh (quê Phú Thọ) là sinh viên trường ĐH Quốc gia thuê trọ tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, giá điện tại khu trọ của mình là 5.000 đồng/kWh. Mỗi tháng, với số tiền sinh hoạt phí 2,5 triệu do bố mẹ chu cấp, sau khi trả tiền thuê phòng 1 triệu đồng, tiền ăn uống sinh hoạt 1 triệu đồng, tiền nước 80.000 đồng/ tháng, dùng điều hòa thì Minh Anh không có tiền trả tiền điện.
Hàng loạt sinh viên, người lao động thuê trọ tại những dãy nhà cấp 4 không lắp điều hòa để tiết kiệm chi phí.
“Phòng trọ được nhà chủ lắp sẵn điều hòa nhưng em không dám bật vì tiền điện quá cao. Em ở cùng 1 bạn nữa, không dùng điều hòa, nóng lạnh, chỉ dùng điện thắp sáng buổi tối, 1 nồi cơm điện nhỏ và 1 chiếc quạt mà mỗi tháng hết 300-400.000 đồng tiền điện rồi. Biết là giá điện đắt nhưng xung quanh đây nhà nào cho thuê cũng lấy giá điện như thế, nếu ý kiến với chủ nhà thì họ lại không cho thuê nữa nên bọn em phải chấp nhận thôi”, Minh Anh cho hay.
Để “chống nóng” vào những ngày hè, Minh Anh và bạn rủ nhau đi lên thư viện trường hoặc đến siêu thị vào những ngày nghỉ cho mát. “Em mua vài nghìn đá rồi thả vào chậu nước, để trước quạt thế là mát cả phòng luôn. Có hôm nóng quá bọn em cho cả chân vào chậu nước ngâm hoặc xả nước ra nhà, cũng may là mỗi đợt nóng chỉ kéo dài 3-4 ngày”.
Theo tìm hiểu của PV, đa số các bạn sinh viên, công nhân hay người lao động đều đang phải gánh mức giá điện cao hơn so với quy định mà các chủ nhà trọ đưa ra nhưng không ai dám lên tiếng vì lo sợ rằng “lợi thì chưa thấy nhưng lại ra ở ngoài đường". Hơn nữa, giá điện, nước, dịch vụ khi đi thuê trọ đều được người đi thuê trọ và chủ nhà bàn bạc, thoả thuận và đi đến thống nhất ngay từ khi làm hợp đồng thuê trọ.
Thông thường, các chủ nhà trọ đều thu một khoản tiền cọc, nếu huỷ hợp đồng thuê giữa chừng hoặc chậm trễ trong việc nộp tiền nhà, tiền điện nước thì chủ nhà trọ sẽ trừ thằng vào khoản tiền cọc đó, khi ấy chỉ có người đi thuê trọ là chịu thiệt thòi.
Chính sách giá điện cho người thuê trọ được áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt cụ thể tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT - BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện đã quy định như sau:
Trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ), được cấp định mức hoặc áp 01 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).
Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh: 1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do Công ty Điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) thì đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). Công ty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.