Châu chấu với kích thước khổng lồ xuất hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ qua ảnh chụp của người dân (ảnh: Daily Star)
Nông dân ở tỉnh Batman, Thổ Nhĩ Kỳ – đang lâm vào cảnh khốn đốn khi đàn châu châu khổng lồ xuất hiện đúng vào thời điểm hoa màu sắp được thu hoạch.
“Năm ngoái đồng ruộng của chúng tôi cũng gặp nạn châu chấu, nhưng năm nay chúng còn kéo tới với quy mô khủng khiếp hơn. Chúng ăn cả hoa màu lẫn các loài công trùng khác”, Ahmet Soyvural – một nông dân ở tỉnh Batman – than thở.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, thức ăn của châu chấu chủ yếu là thực vật. Tuy nhiên, khi châu chấu trở nên quá đói, chúng sẽ ăn bất kỳ thứ gì có sẵn, kể cả thực vật và các loài côn trùng khác.
Việc châu chấu ăn thịt là rất hiếm gặp và đáng lo ngại, theo các nhà khoa học.
Theo ghi nhận, dịch châu chấu năm nay đã tấn công 23 quốc gia ở khu vực châu Phi, Trung Đông và Nam Á.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đây là dịch châu chấu lớn nhất trong khoảng 70 trở lại đây. Nguồn cung thực phẩm ở khu vực Đông Phi đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hơn 20 triệu người ở châu Phi có nguy cơ rơi vào nạn đói.
Nạn châu chấu tàn phá mùa màng đến trùng thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, khiến kinh tế một số nước càng thêm suy sụp.
WB dự báo, các nước khu vực Đông Phi có thể chịu thiệt hại lên tới 8,5 tỷ USD do dịch châu chấu tàn phá mùa màng.
Tại Kenya, mỗi ngày đàn châu chấu ăn lượng lương thực bằng tất cả công dân nước này tiêu thụ trong 2 ngày. Các nước đang bị dịch châu chấu tấn công nghiêm trọng nhất là Somalia, Ethiopia, Kenya, Uganda và Nam Sudan.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến chính phủ nhiều nước châu Phi buộc phải ưu tiên các biện pháp chống virus hơn là chống châu chấu. Điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cũng là yếu tố quan trọng khiến đàn châu chấu mở rộng quy mô.
Theo các chuyên gia, sự biến đổi khí hậu toàn cầu, trái đất nóng lên là nguyên nhân quan trọng giúp đàn châu chấu sinh sản với số lượng lớn hơn.