Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo RT, hàng triệu người Nga đã đi bỏ phiếu hôm 1.7, ngày cuối cùng bỏ phiếu kể từ 25.6 để quyết định xem có sửa đổi hiến pháp hay không.
Ước tính có khoảng 65% người dân Nga đủ điều kiện trên toàn quốc đi bỏ phiếu. Các sửa đổi hiến pháp sẽ có hiệu lực nếu hơn một nửa số cử tri ủng hộ. Không có quy định về số cử tri đi bầu tối thiểu.
Cuộc bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp ở Nga ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 22.4, nhưng bị hoãn hơn 2 tháng vì dịch Covid-19.
Kết quả sơ bộ trên mở đường để Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, đến năm 2036, vì các sửa đổi hiến pháp đã làm thay đổi quy định hiện hành. Tổng thống Nga sẽ chính thức bước sang tuổi 68 vào tháng 10 tới. Nếu tiếp tục nắm quyền đến năm 2036, ông Putin khi đó sẽ 84 tuổi.
Các sửa đổi nêu rõ tổng thống Nga không được sở hữu quốc tịch nước ngoài hay sống ở Nga ít hơn 25 năm. Quy định này cũng áp dụng ở các vị trí cấp cao trong chính phủ Nga.
Một số sửa đổi dành riêng cho các vấn đề xã hội, bao gồm đảm bảo mức lương tối thiểu phải lớn hơn chi phí sinh hoạt, tính toán lại lương hưu cho phù hợp với lạm phát, định nghĩa hôn nhân và nhiều quy định khác.
Các điểm bỏ phiếu ghi nhận có 839 sai phạm nhưng không nghiêm trọng và không làm ảnh hưởng đến lá phiếu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nga Aleksandr Gorovoy nói.