Trận đấu gây tranh cãi giữa ĐT bóng rổ Tây Ban Nha và Australia tại Paralympic 2000
Thế vận hội người khuyết tật năm 2000 là một vết đen trong lịch sử thể thao thế giới, khi đội tuyển bóng rổ người khuyết tật Tây Ban Nha đã lên ngôi vô địch trong khi có tới 10 cầu thủ lành lặn. Sự vụ này khiến các môn thể thao Paralympic cho người khuyết tật bị cấm trong hơn một thập kỷ, khiến nhiều vận động viên tài năng phải bỏ nghiệp với cảm giác “lạc lõng và suy sụp”.
Đội bóng rổ người khuyết tật Tây Ban Nha với những cầu thủ "giả"
Khi đó, đội bóng rổ Tây Ban Nha đã đưa tới 10 người lành lặn vào danh sách đội hình gồm 12 người để tranh tài tại giải. Nhà báo Carlos Ribagorda, một trong 10 người nói trên, cho biết mình được tham gia để tăng cơ hội chiến thắng cho đội nhà.
“Tôi nghĩ mọi người coi đây là một chuyến đi miễn phí đến Australia. Việc được khoác áo đại diện cho Tây Ban Nha cũng là một vinh dự khác”, Ribagorda hé lộ trên tờ Guardian vào năm 2004, khi sự việc bị phát giác. Anh cho hay bài kiểm tra duy nhất mà mình phải hoàn thành trong buổi tập đầu tiên là 6 lần chống đẩy, sau đó là đo huyết áp.
HLV của đội bóng rổ người khuyết tật Australia khi đó, Tony Guihot, đã có cảm nhận không lành về lối chơi giữa hai đội ở trận đấu hôm đó. “Họ áp đảo và đè bẹp chúng tôi. Tôi đã nghi ngờ, nhưng không nêu ra sự việc. Tôi thấy họ như một đội bóng khác vậy”, Guihot cho hay.
Sự thật bị phơi bày gây ra cơn bão dư luận cực lớn nhắm vào Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC). Những vận động viên người khuyết tật đã bị cấm tham gia tranh tài ở Paralympic trong 12 năm sau đó. Hệ lụy này đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến những vận động viên người khuyết tật tài năng khác.
"Kình ngư" Siobhan Paton là một trong những vận động viên xuất sắc nhất của Australia tại kỳ Thế vận hội năm đó, với 6 huy chương giành được. Cô tiếp tục rèn luyện trong 4 năm sau đó với hy vọng được tranh tài tại Athens, nhưng cuối cùng nhận được thông báo bị cấm tham gia.
“Tôi gục ngã và phải nhập viện trong 6 tuần, cảm giác phẫn uất. Giờ đây tôi vẫn phải sống chung với sự suy sụp. Tôi thậm chí chẳng muốn ngắm những huy chương giành được năm đó, có cảm giác như mình bị đánh cắp thứ gì đó”, Paton cho hay.
Vào năm 2013, toàn bộ vụ việc được đưa ra ánh sáng. Fernando Martin Vicente, cựu Chủ tịch Liên đoàn thể thao người khuyết tật Tây Ban Nha, bị phạt số tiền lên tới 5.400 euro, đồng thời bị buộc trả lại số tiền 142.355 euro cho các nhà tài trợ tại sự kiện diễn ra trước đó 13 năm.
Bên cạnh đó, những người có thẩm quyền đã quyết định tước chiếc huy chương vàng của đội tuyển bóng rổ Tây Ban Nha và trao lại cho đội tuyển Nga, á quân của giải đấu năm đó.