Theo đó, điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đối với 2 môn thi xét theo Phương thức 3 - xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (bao gồm các tổ hợp môn Toán – Lý, Toán – Hóa, Toán – Văn) đối với chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại là 18 điểm.
Đối với các chương trình tiên tiến khác và chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh là 17; đối với chương trình ngôn ngữ thương mại là 16,5 (các chương trình ngôn ngữ thương mại chỉ xét tổ hợp 2 môn Toán – Văn).
Điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo Phương thức 4 - xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo các tổ hợp môn là 23 điểm đối với tất cả các chương trình giảng dạy tại trụ sở chính Hà Nội và Cơ sở 2 – TP Hồ Chí Minh; đối với các chương trình giảng dạy tại Cơ sở Quảng Ninh, điểm sàn là 18 điểm.
Tổng chỉ tiêu của Trường ĐH Ngoại thương năm 2020 là 3.990 chỉ tiêu cho 30 chương trình học, trong đó 50% là các chương trình tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác. Với 50% số chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức 3 và 4, thí sinh tính toán từ thực tế điểm thi của mình để đưa ra quyết định phù hợp.
Thí sinh cũng cần lưu ý, điểm chuẩn trúng tuyển tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh của Trường Đại học Ngoại thương luôn rất cao. Tuy nhiên thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào cơ sở của trường tại Quảng Ninh (năm nay điểm sàn đăng ký xét tuyển là 18 điểm) sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Theo đại diện nhà trường cho biết, cơ sở Quảng Ninh của trường đang thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương này, các điều kiện dạy học đều như tại trường chính.
Lãnh đạo trường ĐH Ngoại thương, cho biết, đến thời điểm này trường đã hoàn thành việc xét tuyển 50% chỉ tiêu theo các phương thức 1 và 2 (phương thức dành cho thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh các trường chuyên, thí sinh có chứng chỉ quốc tế).