Riêng tại Hà Nội, nhiều chi nhánh của Soya Garden đã lần lượt đóng cửa trong thời gian gần đây. Theo đó, cửa hàng Soya Garden tại số 94 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) đang được chủ mặt bằng treo biển "cho thuê cả nhà". Chủ căn nhà này cho biết giá cho thuê hiện tại là 85 triệu đồng/tháng và có thương lượng với khách thuê mới. Những ngày qua đã có nhiều khách hỏi thuê nhưng chưa ai chốt để ký hợp đồng chính thức.
Dù vẫn đang mở cửa kinh doanh nhưng chủ cửa hàng này đang đăng tin nhượng lại mặt bằng
Tại cửa hàng ở 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), biển hiệu của Soya Garden đã được tháo dỡ, bên trong đồ đạc trống trơn. Những người dân sinh sống gần đó cho biết cửa hàng này mới đóng cửa cách đây chưa lâu. Còn tại địa chỉ 22 Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nơi từng là cửa hàng Soya Garden khai trương hồi đầu năm 2018, giờ đây cũng đã thuộc về một thương hiệu khác.
Dù vẫn đang mở cửa kinh doanh, nhưng chủ cửa hàng nhượng quyền Soya Garden tại địa chỉ 239 Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đã đăng tin nhượng lại mặt bằng và toàn bộ các trang thiết bị kinh doanh đã đầu tư của mình (không bao gồm thương hiệu) với giá 380 triệu đồng.
Anh Trung cho biết cửa hàng này được anh đầu tư và đưa vào kinh doanh cuối năm 2017. Số vốn được đầu tư vào hoạt động kinh doanh đến nay đã lên tới 1,7 tỷ đồng. Trong những ngày đầu khai trương, doanh thu cửa hàng khá ổn dao động từ 15-20 triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, càng về sau doanh thu càng giảm do lượng khách ít dần. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu mỗi ngày của cửa hàng hiện tại chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng.
Theo chủ cửa hàng này, với chi phí thuê mặt bằng lên tới 40 triệu đồng/tháng thì với doanh thu hiện tại là không đủ bù các khoản chi phí bỏ ra. Anh cho biết do lợi nhuận chỉ vào khoảng 20-25% trên doanh thu nên mỗi tháng ít nhất cửa hàng phải đạt mốc 150 triệu đồng thì những người kinh doanh nhượng quyền như anh mới có lãi khoảng 20 đến 30 triệu đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn và cần tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác nên anh muốn nhượng lại mặt bằng của mình.
Khi mới ra đời, Soya Garden từng được đánh giá có yếu tố thị trường tốt, sản phẩm tiềm năng, hướng đi mới với sự kết hợp cả không gian trải nghiệm sản phẩm. Nhưng sau quãng thời gian gần 3 năm kinh doanh nhượng quyền, anh Trung chỉ ra một trong những điểm yếu lớn của Soya Garden là việc xây dựng và làm thương hiệu rất kém.
Theo đó, trang Fanpage chính thức của Soya Garden dù có hơn 79 nghìn người theo dõi nhưng thông tin không được cập nhật thường xuyên. Trang fanpage này đã không có thêm cập nhật mới kể từ ngày 11/5. Do đó, những cửa hàng kinh doanh nhượng quyền như bên anh phải tự bỏ ra những khoản tiền lớn để chạy quảng cáo nhằm hút khách hàng.
Chủ mặt bằng này cho biết chỉ cần thương hiệu tốt, sản phẩm tốt thì doanh thu mỗi ngày 7 đến 10 triệu đồng là bình thường
Trước những thông tin về hàng loạt cửa hàng đóng cửa ngừng kinh doanh thời gian gần đây, Fanpage chính thức của Soya Garden cũng xác nhận hiện chỉ còn 23 cửa hàng của chuỗi đang hoạt động, còn những điểm bán khác đang đóng cửa tạm thời hoặc chuyển địa điểm.
Soya Garden là thương hiệu đậu nành hữu cơ được ông Hoàng Anh Tuấn thành lập năm 2016 và nổi lên sau chương trình Sharl Tank khi nhận được cái bắt tay hợp tác từ nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) năm 2017, qua đó gọi vốn thành công 15 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2019, Tập đoàn EGroup của Shark Thủy tiếp tục rót 45 tỷ đồng vào thương hiệu này. Tháng 4/2019, sau lần thứ 3 đầu tư, tập đoàn nâng tổng số vốn tại Soya lên hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi mở rộng thương hiệu ra được khoảng 50 cửa hàng thì hoạt động kinh doanh của thương hiệu này đang có dấu hiệu đi xuống khi nhiều chi nhánh đóng cửa từ cuối năm 2019. Việc đóng cửa các chi nhánh diễn ra đồng loạt sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2020.