Trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ, có rất nhiều vấn đề xảy ra và đôi khi cha mẹ sẽ không thể kiểm soát được hành vi của mình. Có một số thói quen cực kỳ có hại trong việc nuôi dạy con cái mà cha mẹ cần phải thay đổi gấp, đó là:
1. Cố gắng kiểm soát cảm xúc của con cái
Ảnh: Asahi
Khi cha mẹ nói với con cái: "Đừng lo lắng, đó không phải là vấn đề lớn", điều đó cho thấy cảm xúc của đứa trẻ là sai hoặc không đáng để họ quan tâm. Trẻ cần phải hiểu được rằng, dù phải đối mặt với những cảm xúc nào đi chăng nữa, chúng vẫn sẽ ổn nếu biết cách kiểm soát cảm xúc thay vì kìm nén.
Cha mẹ có thể nói rằng: “Bây giờ con cảm thấy sợ hãi đúng không, nhưng bố mẹ tin rằng con đủ mạnh mẽ để đối phó với nỗi sợ hãi của mình”.
2. Chịu đựng những hành vi sai trái của con cái
Ảnh: Grapee
Khi một đứa trẻ quậy phá hoặc nhõng nhẽo, điều đó có nghĩa là chúng muốn cha mẹ phải nhượng bộ mình. Đặc biệt là khi chúng biết cha mẹ không có thời gian hoặc khi đang mệt mỏi.
Tuy nhiên, mỗi khi đáp ứng những mong muốn của trẻ, cha mẹ đang dung túng cho hành vi sai trái của con mình. Nếu cha mẹ muốn nuôi dạy con mình trở thành một người sống biết điều, hãy tuân thủ các nguyên tắc và để cho trẻ học cách kiểm soát cảm xúc một cách lành mạnh hơn.
3. Chiều chuộng con cái quá nhiều
Có thể với nhiều cha mẹ, họ cảm thấy rất vui khi có thể cho con mình một cuộc sống đầy đủ vật chất, những thứ mà họ không thể có được khi còn nhỏ. Khi một đứa trẻ lúc nào cũng được bố mẹ đáp ứng không thiếu thứ gì, chúng dần sống coi trọng vật chất hơn và có xu hướng dần cảm thấy không hạnh phúc khi trưởng thành.
Cha mẹ nên có những giới hạn trong việc đáp ứng nhu cầu của trẻ. Hãy để chúng trải qua cảm giác thất vọng, thiếu thốn và dạy cho trẻ hiểu nếu muốn bất kỳ thứ gì thì đều phải làm việc.
4. Yêu cầu con cái phải thực hiện mọi thứ hoàn hảo
Ảnh: 39mag
Đặt kỳ vọng vào con cái là tốt, nhưng đòi hỏi trẻ vượt quá khả năng của chúng lại gây phản tác dụng. Nếu đặt quá nhiều hy vọng vào việc học tập, trong khi khả năng của trẻ còn hạn chế, chúng sẽ nghĩ mình là kẻ thất bại và ngừng cố gắng.
Cha mẹ cần giúp con cái đạt được những mục tiêu lớn, nhưng phải thực tế. Quan trọng hơn cả là dạy trẻ nhận ra những bài học thông qua những sai lầm và thất bại.
5. Không coi trọng ý kiến của con cái
Một số cha mẹ thường dạy con cái theo kiểu “gọi dạ bảo vâng”, nghĩa là con cái dù trong trường hợp nào cũng phải nghe lời. Trẻ không có quyền lên tiếng hay đưa ra bất cứ ý kiến nào dù đúng hay sai. Điều này khiến cho trẻ nhiều lúc cảm thấy rất ức chế vì bị thiếu tôn trọng.
Đành rằng cha mẹ có sự từng trải, có kinh nghiệm đủ để biết được điều gì đúng sai để ép buộc con cái nghe lời theo. Thế nhưng, trên thực tế cách dạy này lại mang tới nhiều hậu quả nặng nề. Nếu không cho trẻ quyền quyết định, quyền được đưa ra ý kiến, chúng sẽ không thể học được cách chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm của mình sau này.
6. Can thiệp quá sâu vào không gian riêng tư của con cái
Ảnh: Recruit
Bất cứ một đứa trẻ nào cũng đều không thích cha mẹ xâm phạm vào không gian riêng tư của mình một cách quá mức. Đặc biệt trẻ rất ghét bị cha mẹ lục lọi đồ đạc hay lén xem nhật ký. Nếu cha mẹ cứ tiếp tục thói quen quản lý con cái kiểu này, theo thời gian chúng sẽ dần xa lánh và ghét cha mẹ mình nhiều hơn.
Dù con cái có bao nhiêu tuổi đi nữa cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng những đồ đạc và không gian riêng tư của con mình. Ít nhất trước khi vào phòng cha mẹ cũng cần phải gõ cửa, không tự ý xem tin nhắn…
7. Mặc nhiên xem những phản ứng tiêu cực của con cái là bình thường
Cha mẹ động viên con cái khi bị điểm kém là điều nên làm, nhưng phớt lờ và xem thường kiểu “không sao đâu, điểm số chẳng có ích gì cả” thì lại là một vấn đề khác. Khi con cái bị ám ảnh với những suy nghĩ tiêu cực, nếu cha mẹ xem điều đó là chuyện bình thường sẽ khiến trẻ càng ủ rủ, buồn chán, không còn thiết tha gì đến chuyện nỗ lực cố gắng nữa.