Dân Việt

Vingroup đã đầu tư vào những công ty nào trong 6 tháng qua?

Theo Thiên Lý 03/09/2020 16:10 GMT+7
Hàng loạt cổ phiếu lớn tăng mạnh khiến VN-Index bứt phá tăng mạnh tại phiên giao dịch ngay sau kì nghỉ lễ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/9, VN-Index tăng hơn 12 điểm nâng chỉ số lên ngưỡng gần 903,97 điểm. HNX-Index tăng 0,64 điểm (0,51%) lên mốc 126,05 điểm. Upcom-Index tăng 0,16 điểm (0,28%) lên mốc 58,96 điểm.

img

VN-Index tăng hơn 12 điểm nâng chỉ số lên ngưỡng gần 903,97 điểm.

Thanh khoản tăng khá tốt với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 8,6 nghìn tỷ đồng. Số mã tăng hôm nay áp đảo với 320 mã tăng giá cùng 56 mã tăng trần. Ở chiều ngược lại, cũng có 261 mã giảm giá cùng 30 mã giảm sàn.

Trong nhóm VN30, HDB của HDBank tăng mạnh mẽ nhất với mức tăng 4,6% lên 29.800 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến là POW, VCB, VRE với mức tăng trên 3%. Nhóm VN30 chỉ có 3 cổ phiếu giảm nhẹ vào cuối phiên là CTG, SBT và ROS.

VCB là mã tác động tích cực nhất tới thị trường khi mang lại cho VN-Index hơn 3,4 điểm. 

img

Chốt phiên VIC tăng tới 3.200 đồng/cổ phiếu

Ngay sau đó là VIC của Vingroup khi đóng góp cho thị trường 1,72 điểm. Chốt phiên VIC tăng tới 3.200 đồng/cổ phiếu (tương đương 3,86%) lên mốc 86.200 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có tới hơn 2,5 triệu cổ phiếu VIC được khớp lệnh.

Dù có nhiều phiên liên tiếp "kém sắc" nhưng với mốc tăng ấn tượng trong phiên này đã giúp VIC tăng 3,23% sau 1 tuần. Còn nếu tính sau 1 tháng mã này đã tăng gần 13% giá trị.

Liên quan đến VIC, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020, Tập đoàn Vingroup  có 104 công ty con, tăng 13 đơn vị so với thời điểm cuối năm ngoái.

img

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật đã thâu tóm thêm nhiều công ty con từ đầu năm đến nay.

Trong số các công ty mới gia nhập hệ sinh thái đa ngành của Vingroup, Tập đoàn chi 450 tỷ đồng mua toàn bộ cổ phần của CTCP Hương Hải - Quảng Ngãi. Doanh nghiệp khai thác mỏ và khoáng sản đã trở thành công ty con của Vingroup sau giao dịch ngày 18/3.

Ngoài Hương Hải - Quảng Ngãi, Vingroup cũng đặt cọc 2.700 tỷ đồng cho đối tác để mua cổ phần một công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Khoản đặt cọc này không có lãi suất, được đảm bảo bởi một số cổ phiếu của công ty không niêm yết.

Đến tháng 4, Vingroup mua 61% tỷ lệ sở hữu trong CTCP Giải pháp công nghệ thông tin và hạ tầng truyền dẫn VinITIS với giá 86 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu lên 80%. Tổng giá phí mua VinITIS là 113 tỷ đồng, bao gồm cả giao dịch mua 19% cổ phần trước đây. Hoạt động của VinITIS là xử lý dữ liệu, cho thuê hạ tầng phát sóng di động, mạng thoại, truyền hình và các hoạt động liên quan. Tại ngày 30/6, tập đoàn đang trong quá trình xác định giá trị hợp lý tại ngày mua tài sản, nợ phải trả hoặc nợ tiềm tàng và giá phí hợp nhất kinh doanh có thể xác định được từ VinITIS.

Với mảng kinh doanh đóng góp nhiều doanh thu và lợi nhuận nhất là bất động sản, Vingroup có 2 giao dịch mua đáng chú ý. Cụ thể, ngày 15/5, Vingroup còn mua toàn bộ cổ phần trong CTCP Đầu tư Xây dựng Đại An với giá phí 4.600 tỷ đồng. Đại An trở thành công ty con, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Sau kỳ báo cáo, trong tháng 8, tập đoàn đã hoàn tất việc mua cổ phần với một đối tác, tương ứng 45% tỷ lệ sở hữu trong một công ty kinh doanh bất động sản với giá 2.590 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tập đoàn bán 80% tỷ lệ sở hữu trong CTCP Kinh doanh Bất động sản MV Việt Nam với tổng giá trị 8.799 tỷ đồng. 

Được biết, nửa đầu năm, Vingroup đạt 38.727 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 37% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.484 tỷ đồng, tăng 84 tỷ đồng. EPS tương ứng 768 đồng.

Vay nợ tài chính đạt 138.403 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,12 lần. Hàng tồn kho vào khoảng 82.724 tỷ đồng, bằng 19% tổng tài sản, chủ yếu là bất động sản để bán đang xây dựng. 

Vingroup có 460 tỷ đồng nợ xấu là các khoản phải thu thương mại, trả trước cho nhà cung cấp, phải thu gốc và lãi cho vay đã quá hạn thanh toán. Số tiền này tăng 20% so với đầu năm, có thể thu hồi khoảng 11 tỷ đồng.