Một chốn bốn quê, sau thời gian tìm hiểu và đi đến hôn nhân, vợ chồng anh Sơn (quê Nam Định) và chị Lan (quê Vĩnh Phúc) quyết định lập nghiệp tại Hà Nội để việc đi về 2 quê đều thuận tiện. Bố mẹ hai bên đều làm ruộng nên anh Sơn luôn xác định muốn mua được nhà Hà Nội thì hai vợ chồng phải tự lực cánh sinh.
“Tôi làm IT cho một công ty dược với mức lương 10 triệu đồng/ tháng, vợ tôi làm kế toán cho công ty thời trang với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thuê nhà trọ ở ngoại thành, hai vợ chồng cố gắng chi tiêu tiết kiệm lắm nhưng mỗi tháng chỉ dành ra được 10 triệu đồng, chưa kể khi có con, nhiều khoản phát sinh, có tháng chỉ tiết kiệm được vài triệu đồng”, anh Sơn kể.
Chọn thuê trọ giá rẻ ở khu ngoại thành, vợ chồng trẻ tiết kiệm để dành tiền mua đất.
Lấy nhau được 4 năm, tiết kiệm được vỏn vẹn 200 triệu đồng, giữa lúc đó, một người bạn của chị Lan rao bán bảnh đất tại xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) có diện tích 40m2 với số tiền 540 triệu đồng. Mảnh đất khá vuông vắn, hướng Đông Nam rất hợp với tuổi của anh Sơn nên vợ chồng anh rất thích.
Gọi điện về nói chuyện với bố mẹ ở quê và hỏi vay khắp anh em họ hàng được thêm 80 triệu, vẫn thiếu 260 triệu nữa không biết vay ai. Đúng lúc đó đứa em con nhà cô anh Sơn đi xuất khẩu lao động bên Nhật về nên có chút vốn.
“Vợ chồng tôi hỏi mượn, may sao cô tôi đồng ý cho vay với thời hạn 2 năm sau phải trả. Tuy nhiên, quy ra vàng và không lãi suất. Tháng 8/2018, khi ấy giá vàng là 36,4 triệu đồng/ lượng. Tôi cầm 260 triệu đồng tiền mặt nhưng quy ra vàng nên tính ra, tôi nợ của cô tôi 7 cây vàng”, anh Sơn nói.
Cầm số tiền vay được đi mua đất, vợ chồng anh Sơn vui như bắt được vàng vì vay được tiền mua đất không mất lãi, đồng nghĩa với mong ước có nhà Hà Nội dần trở thành hiện thực .
Có được mảnh đất nhỏ tại Hà Nội sau vài năm cày cuốc, anh Sơn như bắt được vàng.
Quyết tâm cày cuốc trả nợ, anh Sơn gửi đứa con gái nhỏ về quê cho ông bà chăm giúp, hết giờ làm anh lại đi giao hàng thuê kiếm thêm thu nhập. Chị Lan cũng lấy hải sản ở quê gửi xuống Hà Nội bán online. Được bao nhiêu tiền, vợ chồng anh Sơn ưu tiên cóp tiền trả nợ vàng trước.
“Đến tháng 1/2020, về quê ăn tết, vợ chồng tôi có số tiền tiết kiệm 180 triệu trong tài khoản sau hơn 1 năm tích cóp. Tôi tự nhủ, chỉ cần vài tháng nữa là có thể đủ tiền trả nợ 7 cây vàng vay của cô tôi đợt mua đất”, anh Sơn cho hay.
Thế nhưng, tết xong thì dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng anh Sơn thất nghiệp suốt 3 tháng. Tiền không làm ra đồng nào, trong khi đó, tiền nhà và các khoản chi tiêu vẫn phải dùng đến khiến vợ chồng anh Sơn như ngồi trên đống lửa.
“Hết dịch, vợ chồng động viên nhau cày cuốc cố gắng để trả nợ nhưng giá vàng mỗi ngày một tăng. Có những ngày tim tôi muốn rớt ra ngoài khi vàng lên xuống thất thường, con số 7 cây vàng ẩn hiện trong đầu khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, anh Sơn nói.
Giá vàng liên tục tăng sốc dẫn tới số nợ khi vay vàng của vợ chồng anh Sơn đã tăng gấp 1,3 lần.
Thấp thỏm, lo âu vì giá vàng, anh Sơn lại càng sửng sốt khi tính tới hôm nay 3/7, giá bán vàng miếng SJC đã tăng thêm 140.000 đồng/lượng, lên mức 49,72 triệu đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá vàng thế giới cũng tăng trở lại do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Do đó, để trả số nợ 7 cây vàng vào tháng 8 sắp tới, nếu giá vàng ở mức 50 triệu đồng/ lượng thì số nợ của vợ chồng anh Sơn lên gấp 1,3 lần, từ 260 triệu lên 350 triệu đồng chỉ trong vòng 2 năm. Trong khi, mảnh đất anh mua ở sâu trong làng nên giá có tăng nhưng không đáng kể.
Theo anh Sơn, sai lầm lớn nhất của mình là nợ vàng nhưng khi có tiền lại không mua vàng ngay mà lại để trong ngân hàng vì cứ nghĩ dồn đủ tiền rồi mua một thể.
“Nợ to nợ nhỏ chưa trả được món nào trong khi giá vàng tăng từng ngày. Dù cô tôi chưa nhắc nhưng theo cam kết ban đầu, chỉ còn 1 tháng nữa là đến kỳ trả nợ mà trong tài khoản vợ chồng tôi có đúng 150 triệu đồng. Thật sự tôi không biết phải làm thế nào”, anh Sơn thở dài.
Trong một năm rưỡi qua, giá vàng thế giới đã có mức tăng khá ấn tượng, lên tới 16,5% trong nửa đầu 2020 sau khi đã tăng 18,4% trong năm 2019. Giá vàng trong nước cũng đã tăng khoảng 16% kể từ đầu năm.
Biến động giá vàng thế giới trong 1 năm qua.
Giá vàng trong nước gần đây chùng lại trước ngưỡng 50 triệu đồng/lượng nhưng đang có những tín hiệu có thể bứt phá nhanh qua mức này khi mà giá vàng thế giới quy đổi đã vượt qua ngưỡng cản tâm lý này trong nhiều phiên gần đây.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây dự báo khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy các nền kinh tế vào một đợt suy thoái trầm trọng, ước tính thiệt hại lên tới 12 nghìn tỷ USD. Theo đại diện IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay và bằng một nửa so với mức giảm 10% trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1930.
Theo các chuyên gia, các yếu tố cơ bản vẫn đang đảm bảo cho vàng tăng giá. Đó chính là làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai mà qua đó có thể khiến nền kinh tế thế giới thêm suy yếu, là những dòng tiền khổng lồ được ngân hàng trung ương các nước bơm vào nền kinh tế, rồi căng thẳng thương mại và địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới.