Các quân nhân Ấn Độ tử vong có dấu hiệu chấn thương nặng ở vùng cổ và đầu do bị tấn công bằng vật nhọn.
Reuters gần đây đã phỏng vấn người thân của 13 trong số 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Có 5 trường hợp người thân đưa cho phóng viên Reuters xem giấy chứng tử, nêu rõ những vết thương gây ra cái chết của quân nhân Ấn Độ.
Phóng viên Reuters cũng liên hệ với hai binh sĩ Ấn Độ là người đưa các thi thể quân nhân về cho gia đình họ. Hai người này không tham gia vào cuộc đụng độ đẫm máu tối hôm đó.
Theo Reuters, 3 quân nhân có giấy chứng tử viết rằng “tử vong do vỡ động mạch cổ” và “bị tổn thương đáng kể ở vùng đầu, do vật nhọn gây ra”.
Tất cả 5 giấy chứng tử đều viết rằng các quân nhân bị tổn thương ở vùng cổ và đầu. “Đó là cuộc chiến sinh tồn, họ phải chiến đấu bằng tất cả những gì có thể, thậm chí là bằng tay không”, nguồn tin của chính phủ Ấn Độ nói.
Nguồn tin cũng tiết lộ với Reuters rằng các quân nhân Ấn Độ bị phục kích trên một đoạn đường hẹp nhìn ra sông Galwan. Đoạn đường bộ này có chiều rộng chỉ 4 mét.
Nhiều quân nhân Ấn Độ bị ngã hoặc bị đẩy có chủ ý xuống dòng sông lạnh giá.
Người thân của một binh sĩ Ấn Độ tử vong - người tháp tùng đại tá Santosh Babu trong cuộc đụng độ đêm hôm đó, nói rằng các binh sĩ Ấn Độ đều không có vũ khí.
Ban đầu, nhóm quân nhân Ấn Độ chỉ tranh cãi với một nhóm binh sĩ Trung Quốc canh gác ở khu lều trại và trạm quan sát.
Ngay sau đó, các quân nhân Ấn Độ bị tấn công bởi lực lượng đông đảo binh sĩ Trung Quốc. Nhiều người bị đâm và cắt cổ bằng vật nhọn, người thân của các binh sĩ thiệt mạng, nói trên Reuters.
Đại tá Babu nằm trong số 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. “Lính Trung Quốc áp đảo chúng tôi về quân số”, một binh sĩ Ấn Độ, nói qua radio, yêu cầu sở chỉ huy chi viện.
Nhiều thi thể quân nhân Ấn Độ phải đến sáng hôm sau mới trục vớt được trên sông Galwan. Không ít người tử vong vì bị hạ thân nhiệt, quan chức Ấn Độ giấu tên nói.