PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vừa cho hay trong năm nay, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu (Td) phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, dự kiến 1.005.583 trẻ. Trong 35 tỉnh được xác định có nguy cơ cao này, bao gồm Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TP.HCM - 4 địa phương đang ghi nhận dịch bạch hầu từ đầu năm đến nay.
Cơ quan y tế Gia Lai lập chốt cách ly tại xã Hải Yang. Ảnh: PLO.
Dự kiến, đến năm 2022, hoạt động tiêm bổ sung vắc-xin Td sẽ được triển khai trong phạm vi trong toàn quốc.
Theo đó, tất cả trẻ vào mầm non phải có phiếu xác nhận tiêm đủ các mũi tiêm chủng mở rộng, nếu thiếu mũi, trẻ phải quay về trạm y tế để tiêm đủ mũi, bảo đảm phòng bệnh khi trẻ vào trường học.
Hiện nay, trẻ được tiêm miễn phí vắc-xin mũi 5 trong 1 có thành phần bạch hầu là trẻ dưới 2 tuổi, nhưng do đây vẫn là bệnh lưu hành nên đối tượng dễ bị tác động chính là trẻ lớn. Giai đoạn vừa qua đã có chiến dịch tiêm bổ sung vaccine Td (ngừa bạch hầu và uốn ván) nhưng mới triển khai được đến nhóm dưới 7 tuổi và mới tiến hành được ở 30 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.
PGS.TS Dương Thị Hồng cũng cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu bổ sung mũi tiêm bạch hầu cho trẻ em. Ngoài 3 mũi tiêm cơ bản sẽ khuyến cáo tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi và 7 tuổi. Hiện nhiều nước trên thế giới đã thực hiện mũi tiêm vaccine bạch hầu thứ 6 ở độ tuổi 15-16.
Trước tình hình bệnh có dấu hiệu đang tăng và dịch chuyển sang đối tượng trẻ lớn và người lớn, từ năm 2019, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã định hướng triển khai tiêm nhắc vắc-xin bạch hầu, vắc-xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ lớn và người lớn để mở rộng hàng rào miễn dịch cộng đồng.
Hiện Việt Nam có vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) phòng bệnh bạch hầu, tiêm cho trẻ lớn vào lúc 7 tuổi có thể giúp tăng đối tượng tiêm nhắc lại phòng bệnh.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhận định, ổ dịch bệnh bạch hầu ghi nhận ở Đắk Nông vừa qua không phải bất thường.
Những năm trước, bệnh vẫn lưu hành tại khu vực này, ở một số tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum. Nguyên nhân là những nơi này có tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến bạch hầu vẫn lưu hành, các ca ghi nhận rải rác.
Số bệnh nhân vừa được ghi nhận đa số ở lứa tuổi mà cách đây 7-9 năm không tiêm chủng. Tức vào thời điểm 7-9 năm trước, họ phải tiêm vaccine bạch hầu từ lúc 2-3 tháng tuổi, nhắc lại khi gần 2 tuổi nhưng không tiêm hoặc tiêm không đủ.