Dân Việt

Vietcombank "đại hạ giá" tài sản của đại gia ô tô một thời Vinaxuki

Trung Kiên 07/11/2020 18:55 GMT+7
Trong nỗ lực giải quyết nợ xấu của đại gia ô tô một thời Vinaxuki, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đại hạ giá khối tài sản đảm bảo của doanh nghiệp từng đi đầu trong đầu tư sản xuất ô tô, với số vốn ngàn tỷ, đến nay trở thành đống sắt vụn.

Đầu tháng 11, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) chi nhánh Thăng Long tiếp tục rao bán hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây đã là lần thứ 7 VCB Thăng Long thông báo phát mãi tài sản nhằm giải quyết khối nợ xấu lâu năm này.

Vào đầu tháng 4/2020, VCB Thăng Long đã rao bán tài sản của Vinaxuki Thanh Hóa với giá khởi điểm 44,3 tỷ đồng nhưng không có người mua. Tiếp tục những lần rao bán sau đó, giá liên tục giảm, lần lượt xuống còn 42,9 tỷ đồng, 39,5 tỷ đồng và giờ đây mức giá đưa ra chỉ còn 28,3 tỷ đồng, mức giá này đã giảm 16 tỷ đồng tương ứng giảm tới 36% so với mức giá ban đầu được VCB đưa ra.

img

Quy mô nợ xấu của VCB đến quý 3/2020 đã tăng 15% so với thời điểm đầu năm, lên gần 7.900 tỷ đồng

Theo thông báo phát mại tài sản của VCB Thăng Long, nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa bao gồm tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị, được hình thành thuộc dự án xây dựng: Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng... diện tích sử dụng đất là 456.344 m2 và diện tích nhà xưởng xây dựng khoảng 36.000 m2. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 26/1/2059.

Máy móc thiết bị của Vinaxuki Thanh Hóa gồm có: cẩu trục 10 tấn, cẩu trục 5 tấn, 2 máy nén khí, máy sấy khí, 4 máy cán tôn thủy lực và các loại máy xúc, máy ủi cùng những máy móc thiết bị khác,...

Ngoài việc “đại hạ giá” tài sản của đại gia ô tô một thời Vinaxuki, VCB cũng đang tích cực phát mại tài sản của các doanh nghiệp, cá nhân nhằm thu hồi nợ xấu. Trong đó VCB Châu Đốc cũng đang rao bán lần thứ 2 khoản nợ trăm tỷ đồng của là BĐS nhà xưởng sản xuất gạo tại thị xã Tân Châu, Tỉnh An Giang với mức giá 189,2 tỷ đồng. Tài sản là Quyền sử dụng đất được hình thành năm 2014. Máy móc thiết bị được hình thành từ năm 2013 đến năm 2018.

Trong khi đó, VCB Tân Bình Dương rao bán khoản nợ của CTCP Thương mại vận tải XNK Minh Anh tại TP HCM với giá khởi điểm 23,1 tỷ đồng. Dư nợ của khách hàng đến ngày 26/10/2020 là 32,5 tỷ bao gồm 17 tỷ đồng nợ gốc và 15,5 tỷ đồng nợ lãi. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 232/29 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh và quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 3B Lạc Long Quân, phường 2, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

VCB Tân Bình Dương cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Thương Mại Sản Xuất Xây Dựng Gia Hân tại TP HCM với giá khởi điểm 26,9 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này là 6 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khác nhau tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo thông báo của VCB, dư nợ gốc đế ngày 18/11/2019 của doanh nghiệp là 40,7 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc chiếm 29,5 tỷ đồng và nợ lãi là 11,2 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của VCB cho biết tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank trong quý 3 đạt gần 11.600 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi doanh thu thụt lùi, các loại chi phí của ngân hàng đều có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, chi phí hoạt động 4.579 tỷ đồng, tăng 9,5%; chi phí dự phòng rủi ro 2.025 tỷ đồng, tăng 34,7%. Quý 3/2020 Vietcombank báo lãi trước thuế 4.983 tỷ đồng, giảm 21,1%.

Trong 9 tháng đầu năm, ngoại trừ mảng kinh doanh ngoại hối tăng 17%, các mảng khác của Vietcombank tăng không đáng kể hoặc giảm. Lãi trước thuế 15.965 tỷ đồng, thấp hơn 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Quy mô nợ xấu của ngân hàng đến quý 3 đã tăng 15% so với thời điểm đầu năm, lên gần 7.900 tỷ đồng. Quy mô nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp hơn bốn lần đầu năm, lên 2.923 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 cũng gấp gần ba lần. Ngoài ra, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cũng tăng 60% lên 4.156 tỷ đồng.