Dân Việt

Cước xe công nghệ lại tăng sốc, tài xế than sắp đói dài

Hồng Cảnh 07/12/2020 17:21 GMT+7
Từ 5/12, khách hàng sử dụng dịch vụ xe công nghệ phải chi thêm tiền với mức tăng theo từng km, trong đó, tài xế cũng phải chịu cảnh tăng chiết khấu thêm 5% doanh thu.

Khi mới ra mắt, các ứng dụng gọi xe thường mở rộng thị phần bằng các chương trình khuyến mãi cho khách hàng hoặc tăng điểm thưởng cho tài xế. Tuy  nhiên, những năm gần đây, cạnh tranh của các hãng xe công nghệ ngày càng lớn, quy mô càng mở rộng, lợi nhuận thu về càng cao nhưng lại liên tục tăng mức chiết khấu khiến hàng ngàn lái xe gặp khó.

Anh Nguyễn Đức Thắng (sinh năm 1988, trú tại Cầu Giấy) cho hay, hãng xe của anh làm đối tác có thông báo từ ngày 5/12/2020, chiết khấu tài xế sẽ tăng từ 28,37% lên 32,84% do doanh nghiệp phải chịu thêm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 126 về hướng dẫn Luật quản lý Thuế.

Cụ thể, tỷ lệ chiết khấu tài xế phải chịu là 32,841% tiền cước xe với trường hợp phí sử dụng ứng dụng là 25%. Với trường hợp phí sử dụng ứng dụng ở mức 20%, chiết khấu từ ngày 5/12 sẽ là 28,364%, thay vì 23,6% như trước đó.

Do đó, theo anh Thắng, việc tăng mức chiết khấu ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của anh em lái xe bởi chiết khấu 23,6% như trước đây đã là quá cao rồi, nay lại tăng lên 28,3% thì lái xe “hết đường làm ăn”.

img

Rất đông các tài xế xe công nghệ đã tập trung để phản đối việc tăng chiết khấu.

Không những thế, cước phí dành cho khách sử dụng dịch vụ tăng sẽ khiến cho lượng khách hàng giảm, tài xế ế nay lại càng ế.

“Ví dụ, khi chúng tôi chạy được 100.000 đồng, hệ thống sẽ trừ mất 28.364 đồng, chỉ được cầm về 71.636 đồng. Trong khi đó, chúng tôi phải chạy quãng đường 20km, thêm tiền xăng xe, khấu hao xe nữa thì tính ra chỉ cầm về chưa đầy 50.000 đồng cho 20km”, anh Thắng nói.

Từng làm đầu bếp nhà hàng lẩu nướng, thu nhập giảm rồi phải nghỉ việc đi làm xe ôm do vắng khách, anh Trần Hoàng (sinh năm 1984, Đại Mỗ) cho rằng, mỗi ngày anh xách xe đi lúc 7 giờ sáng và về nhà lúc 8 giờ tối nhưng cũng chỉ thu về được từ 200-300.000 đồng do lượng tài xế ngày một nhiều. Nay lại tăng thêm chiết khấu thì thu nhập ngày một ít đi, khó khăn chồng chất.

“Đồng ý thuế là trách nhiệm của mỗi công dân nhưng tài xế chạy xe công nghệ phần lớn là rất khó khăn. Chúng tôi phải tự sắm phương tiện làm việc, tự mua quần áo đồng phục, phải trả phí sử dụng ứng dụng, xăng xe, cước điện thoại, hao mòn xe. Chưa kể sự việc rủi ro như cướp giật, tai nạn chúng tôi cũng phải tự bỏ tiền túi đi sửa xe và đi bệnh viện vì bảo hiểm chúng tôi cũng phải tự đóng cho bản thân”, anh Hoàng bày tỏ.

img

Xe công nghệ bản chất là sử dụng xe nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập nhưng nhiều người lại coi là nghề chính.

Có sẵn chút vốn liếng sau thời gian đi làm nhân viên siêu thị, anh Quyền (trú tại Long Biên, Hà Nội) quyết tâm mua trả góp chiếc ô tô Huyndai i10 năm 2019 để chạy xe công nghệ. Mỗi tháng anh Quyền phải trả gốc và lãi ngân hàng hơn 6 triệu đồng.

“Dịch bệnh đã vắng khách, thu nhập không đảm bảo, suốt mấy tháng trời tiền làm ra chỉ đủ đóng tiền nhà trọ và tiền học cho con vì vợ tôi mới sinh thêm đứa thứ 2. Đợt tháng 8, tôi phải vay nốt 2 chỉ vàng của mẹ để đóng tiền trả góp mua xe vì quá vắng khách, tiền thu về không đủ trang trải cuộc sống. Đi làm nhặt nhạnh từng đồng, không những không được hỗ trợ thêm nay công ty lại tăng chiết khấu. Thế này có khi tôi phải bán xe trả nợ đi làm công nhân vì quá khó khăn”, anh Quyền nói.

Không những tăng chiết khấu với tài tế, giá cước dành cho khách sử dụng các dịch vụ xe công nghệ cũng tăng mạnh.

Theo một khách hàng có địa chỉ tại Hoàng Cầu (Hà Nội), nếu như trước, đoạn đường từ Hoàng Cầu đến đầu đường Tây Sơn chị chỉ mất 28.000 đồng/lượt nếu đi taxi 4 chỗ thì giờ số tiền đó tăng lên 33.000 đồng/lượt. Chưa kể nếu đặt xe vào giờ cao điểm hay trời mưa giá cước còn cao hơn.

Theo tìm hiểu của PV, từ ngày 05/12/2020, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Trong đó, cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) với các dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ thay đổi.

img

Một lượng lớn tài xế đã tắt app không hoạt động trong sáng ngày 07/12 nhằm phản đối việc áp dụng tăng chiết khấu cho toàn bộ doanh thu.

Do đó, các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grap, Goviet… sẽ phải tiến hành khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% (thay vì 3% như trước đây) và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho các tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.

Trên thực tế, xe công nghệ là mô hình kinh tế chia sẻ, bản chất là sử dụng xe nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập nhưng khi về Việt Nam lại trở thành một nghề chính. Nhiều người sẵn sàng đi vay trả góp để chạy xe công nghệ, hy vọng có được thu nhập cao.

Số lượng tài xế ngày càng tăng, hàng loạt hãng xe công nghệ gia nhập thị trường khiến lượng khách hàng bị chia nhỏ, thu nhập trung bình của tài xế giảm theo. Trong khi đó, các hãng xe công nghệ ngày càng gia tăng chiết khấu, cắt giảm chương trình thưởng dẫn đến những tài xế mua xe trả góp rơi vào tình trạng đi làm không công hoặc thua lỗ.

Trong khi đó, theo thống kê của Grab, khoảng 90% đối tác tài xế xe hai bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu.

Để phản đối việc tăng chiết khấu đối với lái xe, sáng ngày 7/12, hàng trăm tài xế Grab đã tập trung trước Văn phòng hỗ trợ Grab tại Hà Nội gây tình trạng tắc nghẽn giao thông tại phố Duy Tân.