Lào là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Chính phủ đã và đang chờ đợi thời cơ trước khi tiến hành bán trái phiếu. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này vẫn phải xác nhận liệu việc bán trái phiếu có được thực hiện trong năm nay hay không.
Dự án đập mới nhất của đất nước không giáp biển này là nền tảng cho kế hoạch thủy điện Pak Lay trị giá 2,1 tỷ USD trên sông Mê Kông. Nó đang được xây dựng bởi Power China Resources, một công ty hàng đầu về xây dựng đập và được tài trợ bằng khoản vay 1,7 tỷ USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
Các dự án thủy điện của Lào do Trung Quốc xây dựng có thể rơi vào bẫy nợ của “gã hàng xóm khổng lồ” (nguồn: Nikkei)
Thế nhưng, Fitch Ratings đã phơi bày quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính đang xuất hiện ở đất nước Đông Nam Á này. Trong một báo cáo hồi giữa tháng Năm, cơ quan xếp hạng tín dụng này đã hạ thấp triển vọng về nợ quốc gia của Lào từ mức ổn định xuống còn tiêu cực.
Báo cáo nêu rõ: “Negative Outlook đã phản ánh tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế và thị trường tài chính, làm tồi tệ thêm những rủi ro tài chính bên ngoài, liên quan đến kỳ hạn trả nợ nước ngoài sắp tới và mức dự trữ ngoại hối thấp”.
900 triệu USD khoản nợ nước ngoài của Lào sẽ đáo hạn trong năm nay, bao gồm 500 triệu USD trên thị trường trái phiếu Thái Lan. Và từ năm 2021 đến 2023, Lào sẽ phải đối mặt với việc trả lãi nợ 1 tỷ USD mỗi năm.
Tham vọng trở thành "cục pin Đông Nam Á" khiến Lào ngập trong bẫy nợ (Nguồn: Nikkei)
Khoản nợ mà Lào phải gánh chịu xuất phát một phần từ các dự án cơ sở hạ tầng lớn như xây dựng đập thủy điện. Theo Societe Generale, nợ công ngày càng cao tại Lào cho thấy nước này đang nằm trong tầm ngắm của “người hàng xóm khổng lồ phía Bắc”. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và cho vay nước ngoài hàng đầu của Lào.
Lào đã đạt được các thỏa thuận tương tự để xây dựng các dự án thủy điện với mục tiêu khai thác nguồn tài nguyên dồi dào của sông Mê Kông, bao gồm cả các nhánh sông nhỏ hay hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Ước tính 400 dự án thủy điện đã hoàn thành hoặc đang được xây dựng hoặc được lên kế hoạch trong bối cảnh Lào tìm cách trở thành "cục pin của Đông Nam Á" bằng cách bán điện cho các nước láng giềng. Tuy nhiên chính điều này lại khiến quốc gia gần như nghèo nhất khu vực này nhanh chóng chìm vào nợ nần.
Các dự án có thể ẩn chứa rủi ro, điển hình là sự sụp đổ của con đập phụ gần khu thủy điện Xi Pian-Xe Namnoy vào năm 2018. Khu liên hợp này là một dự án liên doanh giữa Lào và 2 công ty Hàn Quốc, với 30% vốn sở hữu của Lào.
David J.H. Blake, chuyên gia người Anh về quản trị tài nguyên nước và sinh thái chính trị ở khu vực sông Mê Kông, cảnh báo rằng những thỏa thuận như vậy đã đẩy Lào đến bờ vực vỡ nợ. Các chủ nợ như Trung Quốc có thể phải thu hồi các khoản nợ của mình bằng cách yêu cầu kiểm soát các tài sản của Lào.