Dân Việt

Đỗ Thị Hà về thăm trường cũng dính "thị phi": Dư luận đang "ác" với hoa hậu?

Phương Anh 09/12/2020 19:38 GMT+7
Hoa hậu cũng chỉ là một người bình thường, đến máy móc nhiều khi còn bị lỗi thông số kỹ thuật thì chẳng có lý do gì bắt buộc một hoa hậu phải hoàn hảo "không tì vết". 

Kể từ ngày đăng quang, cô gái 19 tuổi Đỗ Thị Hà liên tiếp vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích từ dư luận.

Ngày 9/12, nhiều tài khoản Facebook chia sẻ hình ảnh Hoa hậu Đỗ Thi Hà về thăm trường Đại học Kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, gây xôn xao nhất phải kể đến bức hình nàng hậu đầu đội vương miện, mặc áo dài màu vàng và ngồi trang trọng trên một trong hai ghế chủ tọa. Còn thầy hiệu trưởng - PGS.TS Phạm Hồng Chương thì đứng chắp tay ở ghế bên cạnh với thái độ được cho là “khúm núm”.

img

Rất nhiều comment tiêu cực để lại dưới bài post này, có ý kiến cho rằng: “Hoa hậu khi về thăm trường thì vẫn chỉ là một cô sinh viên bình thường, chẳng có lý do gì để được ngồi ở một vị trí trang trọng như vậy, nói chi đến việc thầy giáo “đứng” còn sinh viên lại “ngồi” như thế kia là không đúng phép tắc", "Giá trị đảo lộn, đạo đức suy đồi'.

Lại có người bình luận: “Hết rình rang về thăm làng, bây giờ Hoa hậu về thăm trường mà cứ như nguyên thủ quốc gia ấy nhỉ? Thế này thì bảo sao các cô cứ đua nhau đi thi hoa hậu cả”.

img

PGS.TS Phạm Hồng Chương đã phản hồi với báo chí, thầy khẳng định chuyện thầy đứng chắp tay không phải là thái độ “khúm núm” trước tân Hoa hậu như mọi người truyền tin trên mạng xã hội, mà là thầy đang trả lời nhà báo Lê Xuân Sơn - trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Nói về việc tân Hoa hậu được ngồi ở vị trí trang trọng trong phòng đón khách của nhà trường, thầy hiệu trưởng đã bày tỏ, nhà trường trân trọng những cố gắng của Đỗ Thị Hà, bởi em chỉ là một cô gái nhà nông nhưng để có thể đăng quang ở ngôi vị cao nhất của cuộc thi nhan sắc quốc gia cũng là một nỗ lực phi thường, một tấm gương vượt khó mà không phải cô gái nào cũng làm được nên việc đón tiếp tân Hoa hậu có phần trịnh trọng hơn cũng bởi xuất phát từ tấm lòng yêu mến của các thầy cô và các bạn sinh viên trong trường dành cho em.

"Chúng tôi trân trọng bạn Hà là đúng vì bạn là một sinh viên có thành tích học tập tốt và phong cách sống chan hòa được bạn bè yêu mến… Một nữ sinh xuất phát từ nông thôn, con nông dân mà trở thành hoa hậu thì phải nói là chúng tôi rất trân trọng những người vượt qua khó khăn để đạt thành tích tốt như thế", Thầy Phạm Hồng Chương nói.

img

Sự việc trên làm gợi nhớ hình ảnh của Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên khi người đẹp đến thăm và chúc tết GS Vũ Khiêu. Ngay sau đó, hình ảnh cái thơm lên má Hoa hậu Kỳ Duyên của vị giáo sư nổi tiếng đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý cộng đồng mạng. Lúc bấy giờ, không ít những ý kiến chỉ trích nhắm đến GS Vũ Khiêu bằng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa với một người đáng tuổi bậc cha bậc ông mình.

Song, những người liên tiếp chĩa mũi rìu về phía GS Vũ Khiêu hay tân Hoa hậu Đỗ Thị Hà lại không hề có mặt ở đó. Họ chỉ ngồi một chỗ và nhìn qua một bức ảnh nhưng lại có thể khẳng định người đẹp Thanh Hóa "thất kính" hay "vô lễ" với thầy hiệu trưởng. Hay nụ hôn má của GS Vũ Khiêu dành cho Hoa hậu Kỳ Duyên là "không bình thường".

img

Cái thơm má của GS Vũ Khiêu dành cho Hoa hậu Kỳ Duyên bị nhận xét là "không bình thường".

Có thể nói, kể từ khi đăng quang, nhất cử nhất động của các hoa hậu đều bị cư dân mạng để ý. Phải kể đến hình ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên mặc váy ngủ hai dây nằm trên giường với bàn chân không mấy sạch sẽ. Dù không quá hở hang hay đến mức phản cảm nhưng cũng chỉ có vậy cũng đủ khiến cô gái 18 tuổi bị hiểu lầm là cố tình "gợi cảm" và "không phù hợp với hình ảnh của một hoa hậu".

Ví dụ như việc nàng hậu vô tư để mẹ khệ nệ xách đồ tại sân bay hồi mới đăng quang cũng là một trong những scandal “để đời” của Kỳ Duyên. Có lẽ, với mẹ của Kỳ Duyên, cho dù cô đã đăng quang hoa hậu thì Kỳ Duyên vẫn chỉ là cô con gái 18 tuổi. 

Hay cú gác chân trên máy bay với dáng ngủ "kém duyên" trong lúc mệt mỏi của người đẹp cũng bị dư luận chỉ trích không thương tiếc. Tự hỏi, phải chăng dư luận đang quá khắt khe với các hoa hậu - những cô gái mới đăng quang ở độ tuổi 19, đôi mươi -  thường được kỳ vọng là sẽ giữ một hình tượng nhất định? Xinh đẹp, có học vấn thôi là chưa đủ, các cô cần phải có nhưng hành động “đẹp lòng vừa ý” tất cả mọi người, chỉ cần một chút sơ suất nhỏ cũng dễ khiến các nàng hậu bị đàm tiếu.

img

Người đẹp gốc Nam Định để mẹ khệ nệ xách đồ từng là tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội.

Có ý kiến cho rằng: "Không chịu được áp lực, thì đừng làm Hoa hậu" hay "Muốn đội vương miện thì phải chịu được sức nặng của nó". Song, cho dù là sức nặng hay áp lực gì đi chăng nữa, thì trách nhiệm của một Hoa hậu là phải làm gì để lan tỏa những giá trị nhân văn đến cộng đồng, chứ không phải là qua những hình ảnh cô này về thăm quê, thăm trường như thế nào là bị xỉa xói bằng những lời sắc hơn dao đâm, rồi cô kia đi ăn với ai, đi chơi mấy giờ về là ngày hôm sau có thể bị phơi lên trang nhất các mặt báo. Vô hình chung, nhiều khán giả ngày nay thường có cái nhìn phiến diện, chỉ để ý đến những tiểu tiết nhỏ mà quên đi những việc làm tốt đẹp của các hoa hậu đã cống hiến cho xã hội.

img

Hoa hậu Kỳ Duyên bị dư luận chỉ trích vì vô tư để mẹ cúi xuống chỉnh váy.

Máy móc cũng có lúc bị lỗi thông số kỹ thuật thì chẳng có lý do gì chúng ta bắt buộc một hoa hậu phải hoàn hảo "không tì vết". Có câu nói: "Một lời nói có thể cứu rỗi một con người cũng có khả năng "giết chết" một con người". Đối với một số người, những lời mà họ đã bình luận trên mạng xã hội cũng chỉ thoáng qua như "gió bay". Mấy ai để tâm đến sau đó, những cô gái mới đăng quang ở độ tuổi 18, 19 đọc lại sẽ cảm thấy như thế nào?

Xét cho cùng, các hoa hậu cũng là con người. Dù là hoa hậu thì các cô cũng có mắt để nhìn, tai để nghe và trái tim để cảm nhận. Chắc hẳn, nếu chỉ là một cô gái bình thường, có lẽ các hoa hậu sẽ không nhận phải những lời ác ý đến như vậy nhưng chỉ bởi vì cô ấy là Hoa hậu nên cô ấy khác biệt.

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Cách mạng Pháp năm 1789 có câu: "Tự do ngôn luận tức là có thể làm tất cả những gì không gây hại cho người khác". Song, tự do ngôn luận không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn nói sao thì nói mà cần phải ý thức được quyền tự do ngôn luận của chính mình cũng như tôn trọng quyền tự do của người khác. Chúng ta hoàn toàn có quyền phản đối, tranh luận trước những sự việc không đúng đắn. Nhưng cần phải hiểu, phản đối không đồng nghĩa với lăng mạ.