Binh sĩ quân đội Ukraine.
Sau khi Mỹ can thiệp mạnh mẽ hơn trong vấn đề Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo nguy cơ lặp lại sự kiện đưa thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
“Tình hình hoàn toàn có thể trở nên căng thẳng đến mức như vậy. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn, một chuỗi các sự kiện có thể xảy ra và nguy cơ sẽ lặp lại”, ông Ryabkov nói, khi được hỏi rằng liệu căng thẳng Ukraine có dẫn đến sự kiện giống như đối đầu căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ cách đây 6 thập kỷ hay không.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra khi Liên Xô muốn đưa các tên lửa hạt nhân tới quốc gia vùng Caribe, khiến Mỹ huy động hạm đội chặn các tàu chiến Nga. Mỹ cũng đưa các tên lửa có sức mạnh tương đương tới Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng chỉ hạ nhiệt khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đồng ý hủy bỏ việc đưa tên lửa đến Cuba, đổi lại Mỹ cam kết không tấn công hòn đảo. Mỹ cũng bí mật rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần trước, Đô đốc Tony Radakin, tham mưu trưởng quân đội Anh, cảnh báo căng thẳng Nga-Ukraine có thể dẫn đến cuộc xung đột ở quy mô lớn chưa từng thấy tại châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Mỹ và phương Tây ước tính Nga hiện có 175.000 quân gần biên giới Ukraine, có thể tấn công vào đầu năm 2022 sau đó lập chính phủ thân Nga và tháo gỡ căng thẳng thông qua ngoại giao.
Trong khi đó, Nga đặc biệt quan ngại nguy cơ Ukraine phát động chiến dịch quy mô lớn nhằm đánh bật phe ly khai thân Nga ở miền đông. Moscow cũng cảnh báo không chấp nhận NATO vươn ảnh hưởng đến sát biên giới Nga.