Xuất hiện trong Shark Tank mùa 4 - tập 6, Nguyễn Văn Phong - nhà điều hành ứng dụng đặt lịch chăm sóc y tế tại nhà Bluecare đến để gọi số vốn 200.000 USD cho 10% cổ phần.
Nguyễn Văn Phong kể lại câu chuyện của chính mình: Năm 2017, anh bị tai biến y khoa nghiêm trọng. Trong thời gian ở bệnh viện, anh cũng như tất cả các bệnh nhân khác trong khoa luôn cần 2 - 3 người thân túc trực bên cạnh để hỗ trợ chăm sóc. Để giải quyết vấn đề này, anh đã sáng lập ứng dụng Bluecare để giúp bệnh nhân dù ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào cũng có thể dễ dàng nhận được sự chăm sóc y tế tại nhà, trực tiếp từ các nhân viên y tế.
“Chúng tôi đã bắt đầu có doanh thu từ ngày bắt đầu cung cấp dịch vụ là 1/4/2019 với mô hình siêu tinh gọn và hoạt động hiệu quả”, Nguyễn Văn Phong tự hào. Nhà điều hành Bluecare cho biết chỉ còn thiếu 700 USD để đạt được điểm hòa vốn vào tháng 11/2020.
Nhà sáng lập Bluecare Nguyễn Văn Phong gọi vốn tại Shark Tank.
Điều này khiến Shark Bình thắc mắc: “Tại sao lại là tháng 11? Tháng 3 vừa rồi thì sao?”. Khi startup cho biết là chưa cập nhật kịp số liệu, ngay lập tức shark Bình, shark Hưng bày tỏ sự không đồng tình.
Shark Bình đánh giá: “Anh làm kinh doanh mà số liệu tháng vừa rồi lời lãi như thế nào chưa update kịp, thế thì làm sao quản trị điều hành được”. Shark Hưng cho rằng: “Ngày hôm qua bao nhiêu còn phải biết”. Shark Bình tiếp lời: “Không phải là hôm qua, hôm nay ấy. Từ sáng đến giờ bao nhiêu doanh thu phải biết”.
Shark Liên và shark Hưng lần lượt đặt câu hỏi để tìm hiểu về sự khác biệt của ứng dụng Bluecare, cách lựa chọn đội ngũ nhân viên y tế, khách hàng, cách thu thập phản hồi của khách hàng về dịch vụ,...
Nguyễn Văn Phong cho biết, các nhân viên y tế muốn trở thành đối tác cung cấp dịch vụ của Bluecare, phải nộp hồ sơ bao gồm bằng tốt nghiệp, đã có chứng chỉ hành nghề và có kinh nghiệm hoạt động trong các cơ sở y tế ít nhất 8 tháng. Sự khác biệt của ứng dụng này là hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Nghe vậy, các shark cho rằng Bluecare cũng tương tự như ứng dụng thuê giúp việc, gia sư tại nhà.
Shark Hưng nhận xét: “Nguyên lý giống nhau nhưng dịch vụ có thể khác nhau một chút” và phân tích thêm: “Cái này nó còn khó hơn ở một chỗ ngoài độ tin cậy về sự trung thực và không gian dối, lừa đảo, trộm cắp thì còn yếu tố chuyên môn”. Do đó, shark muốn biết rằng người dùng có thể đánh giá sau khi sử dụng dịch vụ hay không.
Nguyễn Văn Phong cho hay, sau khi sử dụng dịch vụ, người bệnh đều có quyền đánh giá chất lượng dịch vụ. “Hiện tại Blucare có 2.200 người đã sử dụng dịch trên hệ thống. Bên em giai đoạn này tập trung vào dịch vụ mẹ và bé ở Hà Nội và TP.HCM”, nhà điều hành Bluecare cho biết thêm.
Shark Bình tỏ ra khá gay gắt với nhà sáng lập startup Bluecare.
Shark Liên lúc này lý giải: “Chị muốn hỏi về sự khác biệt và đảm bảo đầu vào của em. Các bác sĩ, y tá giỏi chắc chắn không tìm đến em. Bởi vì các bệnh viện những người làm tối mặt tối mũi không hết việc, làm sao người ta chạy đến nhà để mà chăm sóc mà lại thông qua app của em”.
Shark Bình thì gay gắt: “Anh thấy em lên đây làm phí thời gian của các shark. Anh hỏi mỗi câu là tháng vừa rồi, chưa hỏi đến tuần vừa rồi, ngày hôm qua doanh thu lợi nhuận bao nhiêu mà cũng không biết. Anh thấy làm kinh doanh lơ ma lơ mơ như vậy chỉ có hai khả năng: Hoặc em làm kinh doanh cho vui, hoặc khả năng là startup của em chết rồi, chết lâm sàng và lên đây gọi vốn để đội mồ sống dậy. Anh cảm giác định lên lấy tiền của các shark, dùng mỡ shark để rán shark. Tôi lên Shark Tank để tìm startup đầu tư để kiếm tiền chứ không phải để bị rán”. Chính vì vậy Shark Bình không đầu tư.
Shark Liên và shark Hưng cũng lần lượt từ chối đầu tư.
Shark Phú giảng giải về bức tranh tài chính: “Người lãnh đạo doanh nghiệp trong giai đoạn đầu mấy thứ quan trọng, về sản phẩm phải hiểu rõ, về khách hàng phải hiểu rõ, về nội tại doanh nghiệp phải hiểu rõ. Người ta hỏi doanh số bao nhiêu thì phải trả lời ngay doanh số em từng này. Ví dụ chi phí từng này, lỗ lãi chính xác từng đồng. Doanh số quá nhỏ, mình chả cần đến kế toán cũng nhớ được, chẳng cần đến chuyển đổi số của anh Bình, dùng bút để cộng tay cũng có thể nhớ được”. Vì tình trạng doanh nghiệp của startup như vậy, shark Phú cũng không đầu tư.
Shark Việt nhận xét: “Mình phải biết được đường đi nước bước của mình như thế nào từ lúc tiền vào, tiền của cổ đông, tiền của mình hay của ai đi nữa. Bạn không biết được cái đó là hỏng luôn”.
Cho rằng lời khuyên quan trọng hơn tiền, shark Việt nói: “Bạn biết không, quản lý nhân viên ngành y không phải dễ. Người ta học 9 năm, trí tuệ họ khác nên quản lý khó đấy, không phải dễ đâu. Cách bạn làm chính là bác sĩ gia đình, bệnh viện Phương Đông chúng tôi cũng muốn triển khai nhưng vì những rủi ro ấy chưa triển khai nổi. Làm không cẩn thận là tiền đi không bao giờ trở về. Hãy đầu tư tiền để mình có lý thuyết đã. Mà tốt nhất là học những người đã làm. Đừng vì cái mình thích mà mình nhích một tí là mình chết”.
Lúc này, shark Bình cũng đưa ra lời khuyên cho startup: “Quà của anh cho em là hai câu. Một, làm kinh doanh là phải nắm số liệu. Cái số hai, đi gọi vốn là phải trung thực”.
Kết thúc màn gọi vốn, Nguyễn Văn Phong cho biết: “Tôi muốn truyền đạt để các shark có thể hiểu được câu chuyện của tôi cũng như người xem có thể hiểu được, nhưng rất tiếc chưa kịp trình bày về điều đó. Tôi lắng nghe, tiếp thu ý kiến của shark và tôi sẽ dùng nó để đối chiếu lại với các hoạt động của tôi”.