Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội hơn hai tháng là thời gian “ngủ đông” của nhiều hàng quán, và là một “thử thách” sự kiên nhẫn với nhiều tín đồ ăn hàng. Ngày 14/10 – “ngày hội toàn dân đi ăn phở”, người ta ví von như vậy khi thấy hàng loạt quán phở ở Hà Nội chật kín người trong ngày đầu tiên thành phố mở cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ.
Cũng kể từ đó, những quán ăn vặt vỉa hè ở hồ Tây, loạt quán nướng Gầm Cầu, cháo sườn chợ Đồng Xuân, quán phở, quán nộm bò khô, quán chè bốn mùa… ở khắp Hà Nội không lúc nào vơi bớt khách. Thậm chí người ta có thể đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ chỉ để được ăn… một chiếc bánh rán 5.000 đồng.
Nhiều người tự hỏi, điều gì khiến cho người Hà Nội nô nức và nhẫn nại đến thế?
Nhiều người xếp hàng tại một quán ăn vặt vên đường Vệ Hồ (Tây Hồ, Hà Nội) lúc 22 giờ đêm.
Ghi nhận của phóng viên tại một quán ăn vặt vỉa hè trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), quán này nổi tiếng trên “bản đồ ăn vặt” Hà Nội với món bánh rán mặn truyền thống. Từ trước khi giãn cách xã hội đây đã là một điểm đến thu hút đông đảo giới trẻ thủ đô.
Khoảng 5 giờ chiều, khách hàng vây quanh chảo bánh rán ngập dầu, với đôi bàn tay thoăn thoắt của chị chủ quán. Để mua được bánh rán mặn ở đây, khách phải xếp hàng từ 30 phút đến 1 tiếng mới đến lượt. Bánh rán từ 5000 – 10.000 đồng/chiếc, được cắt làm đôi ăn cùng với nước mắm, món ăn đơn giản nhưng lại khiến nhiều người phải nhẫn nại.
Trong hai ngày cuối tuần, dù mở cửa tới 19 giờ nhưng chỉ khoảng hơn 17 giờ quán đã treo biển thông báo hết bánh, không nhận khách mới. Theo chủ quán, trước đây quán thường đông vào cuối tuần nhưng sau giãn cách xã hội, chị bán liên tục không nghỉ tay vào cả những ngày trong tuần. Mỗi ngày tiêu thụ vài nghìn chiếc bánh rán, không thể đếm xuể.
Quán bánh rán nổi tiếng ở Lạc Long Quân ngày nào cũng đông khách xếp hàng.
Chỉ một quầy hàng nhỏ với những nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn, người bán có thể thu tiền triệu mỗi ngày.
Ngay cạnh đó, chị Thủy đeo khẩu trang kín mít thi thoảng lại thở hắt ra vì mệt. Chị làm liên tục, vẻ bận rộn thể hiện qua cặp lông mày nhíu lại, nhưng rõ ràng, chị rất hứng thú với sự bận rộn này. Chị Thủy bảo văn hóa ẩm thực vỉa hè của Hà Nội đang “hồi sinh”, cái không khí nhộn nhịp này rất lâu rồi chị mới cảm nhận được.
Cũng giống như người bán bánh rán bên cạnh, chị Thủy không đếm được mỗi ngày bán được bao nhiêu đĩa nộm, bao nhiêu con chim quay, bao nhiêu chiếc bánh bột lọc… tất cả chỉ tóm lại là: “Rất đông”; “Nhiều lắm”.
Theo đó, mỗi đơn hàng trung bình từ 90.000 – 150.000 đồng, chỉ riêng buổi chiều tối, chị Thủy cũng bỏ túi được vài triệu đồng.
Đi qua khu vực Lạc Long Quân, Tây Hồ để “lên phố”, những địa điểm ăn uống nổi tiếng Hà Nội như: khu nướng Gầm Cầu; khu ẩm thực chợ Đồng Xuân; trà chanh Nhà Thờ; phố bia Tạ Hiện… đều đông kín người. Dọc phố Gầm Cầu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tất cả các quán nướng đều kín chỗ, chỉ với bộ bàn ghế nhựa cùng chảo đồ nướng, khách có thể ngồi lai rai vài tiếng đồng hồ.
Hình ảnh quán phở ghi nhận trong ngày 14/10, ngày đầu tiên Hà Nội mở cửa hàng quán phục vụ tại chỗ.
Kể từ sau khi thành phố mở cửa hàng quán phục vụ tại chỗ, phần lớn dịch vụ ăn uống đều đông khách chóng mặt trong đó đặc biệt là hàng quán vỉa hè, những món ăn vặt nổi tiếng chỉ có thể ngon khi được lê la quán xá. Dường như cả người bán và người mua đều đã chờ đợi khoảnh khắc này từ lâu, khi mà mùa đông vừa mới chớm lạnh lại được thả mình trong cái gọi là “bình thường mới”.
Chị Phan Linh (26 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ: “Cảm giác được ‘ăn hàng’ luôn là một trải nghiệm thú vị ở Hà Nội, có thể vẫn món đó, ở quán đó nhưng mua về ăn không còn chuẩn vị nữa. Hơn nữa thời tiết Hà Nội những ngày này rất hợp để vừa ăn uống, vừa ngắm nhìn phố phường”.
Văn hóa ẩm thực Hà Nội đang dần “hồi sinh” với những dấu hiệu tích cực trong hoạt động buôn bán, kinh doanh. Điều này cho thấy sau thời dài chống dịch, Thủ đô đã giữ được trái tim của cả nước bình an để bước sang trạng thái “bình thường mới”, linh hoạt thích ứng an toàn với dịch.
Nhưng trên thực tế dịch vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương lân cận, chỉ cần một hành động bất cẩn cũng có thể ảnh hưởng nặng nề cho Thủ đô. Việc tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nơi công cộng trở thành yêu cầu tối thiếu cho cả người dân và các hộ kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh hàng quán vỉa hè.