Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp (ảnh: Guardian)
The Guardian dẫn lời nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ và NATO chắc chắn sẽ hỗ trợ quân sự giúp Ukraine phòng thủ mặt trận phía đông nếu Nga tấn công. Quân đội Ukraine được đánh giá là yếu thế hơn hẳn Nga cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tuy nhiên, việc ông Biden có quyết định điều quân Mỹ tới tham chiến ở Ukraine nếu Nga tấn công hay không vẫn là điều chưa thể dự đoán. Tổng thống Mỹ từng nói phương án này “chưa có sẵn trên bàn làm việc của mình”. Nhưng ngoài hỗ trợ quân sự, Mỹ vẫn còn nhiều biện pháp khác để trừng phạt Moscow.
“Mỹ có rất nhiều công cụ có thể giáng đòn đau nếu Nga tấn công Ukraine”, Anders Aslund – chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Á – Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown (Mỹ) – nói với Guardian.
Theo Guardian, Mỹ có thể ra lệnh cấm các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư Mỹ mua trái phiếu do Nga phát hành. Đây là biện pháp trừng phạt Mỹ thường áp dụng để đánh vào kinh tế quốc gia đối thủ.
Nếu nặng tay hơn, Mỹ có thể yêu cầu đồng minh thân cận là Đức ngừng cấp phép chứng nhận dự án Nord Stream 2 của Nga. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 do Nga xây dựng đã hoàn thành nhưng vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động. Nếu Nga tấn công Ukraine, Nord Stream 2 gần như chắc chắn sẽ bị đình chỉ vô thời hạn. Việc này có thể khiến Nga “mất trắng” hàng tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp (ảnh: Guardian)
“Mỹ cũng có thể phong tỏa tài sản của tất cả các ngân hàng, công ty năng lượng, công ty quốc phòng Nga ở nhiều nước. Hai mục tiêu tài chính khổng lồ bị Mỹ nhắm đến là Ngân hàng VTB và Ngân hàng Gazprombank của Nga. Mỹ cũng có thể áp đặt lệnh cấm sâu rộng đối với hoạt động đầu tư và giao dịch với các dự án dầu mỏ, khí đốt của Nga”, Edward Fishman – chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) – nhận định.
Ông Fishman cho rằng, bằng mối quan hệ sâu rộng với nhiều nước châu Âu, Mỹ có thể thiết lập một “vòng vây kinh tế và cấm vận” nếu Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, nếu Mỹ siết chặt cấm vận đối với Iran ở cấp độ 10, thì chỉ có thể làm điều tương tự với Nga ở cấp độ 2 hoặc 3.
“Không một công ty nhà nước lớn nào của Nga có thể bị cấm vận hoàn toàn”, ông Fishman nhận xét.
Theo chuyên gia Anders Aslund, đòn “búa tạ” mà Mỹ có thể giáng xuống Nga là loại nước này khỏi Hệ thống thanh toán điện tử toàn cầu (SWIFT) có trụ sở tại Bỉ. Đây là đòn trừng phạt làm tệ liệt kinh tế ở cấp độ sâu rộng nhất mà Mỹ từng dùng để đối phó với Iran. Nếu bị loại khỏi SWIFT, Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giao dịch và thanh toán cho các đối tác thương mại.
Moscow từng cảnh báo rằng, việc tách Nga ra khỏi SWIFT là “một lời tuyên chiến”. Cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng gọi đây là một “cú đâm vào bụng”.
Theo ông Aslund, nếu không muốn điều binh tới chiến đấu với Nga ở Ukraine, thì việc loại Moscow khỏi SWIFT là biện pháp cuối cùng mà Mỹ có thể làm.