Binh sĩ Nga tham gia tập trận ở vùng Rostov, miền nam nước Nga.
Christopher A. Hartwell, giáo sư chính sách quốc tế, người đứng đầu Viện Quản lý Quốc tế tại Trường Luật ZHAW ở Zurich, Thụy Sĩ, gần đây nhận định trên tạp chí Wall Street Journal (WSJ), rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể rơi vào bẫy nếu quyết định tấn công Ukraine.
Theo giáo sư Hartwell, Nga hoàn toàn có khả năng bị sa lầy nếu tấn công Ukraine, hủy hoại danh tiếng và công sức mà ông Putin đã gây dựng trong hơn 20 năm lãnh đạo nước Nga.
Xét về yếu tố lịch sử, Ukraine chịu ảnh hưởng của Nga từ khi tách khỏi Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva vào thế kỷ 17. Kể từ đó, Ukraine bị sáp nhập vào đế quốc Nga và sau này là Liên Xô.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Năm 2014, Tổng thống Ukraine thân Nga, Viktor Yanukovych bị lật đổ, dẫn đến việc Ukraine quay sang ngả về phương Tây, thổi bùng mâu thuẫn với Nga.
Nga một mặt bí mật hậu thuẫn phe ly khai miền đông Ukraine, mặt khác mở chiến dịch chớp nhoáng chiếm quyền kiểm soát bán đảo Crimea, khiến phương Tây chấn động.
Giáo sư Hartwell đánh giá Tổng thống Nga Putin rất giỏi trong các toan tính chiến lược. Ông Putin từng thành công trong cuộc chiến năm 2000 ở Chechnya, năm 2008 ở Gruzia và 2014 ở Crimea.
Ở thời điểm hiện tại, tỉ lệ ủng hộ ông Putin ở Nga đang suy giảm. Người dân Nga gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giáo sư Hartwell nói các yếu tố khách quan như trên có thể khiến ông Putin cảm thấy cần phải làm điều gì đó lớn lao, bao gồm can thiệp quân sự vào Ukraine.
Giáo sư Hartwell nói tình hình hiện nay khác với giai đoạn năm 2014 – 2015, khi Nga có thể gây bất ngờ cho phương Tây. Ukraine giờ đây đã mạnh hơn nhiều, cả trên khía cạnh kinh tế và quân sự.
Các hoạt động tập trung binh lực, vũ khí của Nga không tránh khỏi sự chú ý của phương Tây, khiến ông Putin khó có thể phát động chiến dịch quân sự một cách bất ngờ, từ đó giúp Ukraine có thời gian phản ứng.
Giáo sư Hartwell nhận định, Nga hoàn toàn có thể hứng chịu tổn thất lớn ở Ukraine, tương tự như những gì Liên Xô từng gặp phải ở Afghanistan, dù có đôi chút khác biệt vì Ukraine là cửa ngõ dẫn tới châu Âu.
NATO dù không can thiệp quân sự trực tiếp, có thể tích cực hỗ trợ hậu cần, cố vấn giúp Ukraine phát động chiến tranh du kích trong nhiều năm, từ đó khiến Nga hứng chịu tổn thất lớn.
Theo giáo sư Hartwell, Nga không thể trở nên hùng mạnh nếu không có Ukraine nhưng cũng có thể bị suy yếu nặng nề nếu sa lầy trong một cuộc xung đột quân sự không có hồi kết.
Điều phương Tây cần làm là xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia để đối phó với Nga, khiến ông Putin nếu kiên quyết phát động chiến dịch quân sự, có thể sẽ rơi vào cái bẫy giăng sẵn, giáo sư Hartwell kết luận.