Tại buổi tọa đàm ngày 10/3, “Những điểm ưu việt của bộ SGK lớp 2, lớp 6 xã hội hóa đầu tiên", Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 – bộ Cánh diều cho biết, đây là môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông.
Trong chương trình hiện nay thì đó là 2 môn học riêng biệt, nhưng trong chương trình mới sẽ được gộp lại thành 1 môn học.
Trong chương trình môn học Lịch sử và Địa lý cấp THCS được thiết kế theo 2 phân môn, là phân môn Lịch sử và Địa lý.
Ảnh minh họa.
Trong tổng thể một cấp học, các tác giả của chương trình đã thiết kế các chủ đề tích hợp giữa kiến thức lịch sử và địa lý. Vì thế vừa tích hợp kiến thức giao nhau của lịch sử và địa lý nhưng vẫn đảm bảo phân môn từng môn học.
“Những kiến thức được chúng tôi thể hiện rất rõ, thông qua việc tích hợp nội môn, xuyên môn, liên môn. Đồng thời trong các bài viết, chúng tôi còn sử dụng nhiều kiến thức tích hợp của rất nhiều đơn vị khoa học’, TS.Nguyễn Văn Ninh nói.
TS Nguyễn Văn Ninh lấy ví dụ: Đối với chương trình Lịch sử và Địa lý THCS có 4 chủ đề tích hợp, bao gồm: Phát kiến địa lý, Đô thị trong lịch sử, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Chủ quyền biển đảo. 4 chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới chỉ dừng lại ở 2 phân môn.
Trong đó, chủ đề biển đảo được xây dựng trong chương trình mới được xã hội đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã nghiên cứu và cố gắng thể hiện trong chủ đề tích hợp này. Đó không chỉ là các kiến thức về biển đảo, mà còn là mạch kiến thức về chủ quyền Việt Nam nhằm xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam, giáo dục học sinh về tinh thần yêu nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống lại các thế lực thù địch xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Ngoài Lịch sử và Địa lý thì còn một môn học tích hợp nữa ở lớp 6 là Khoa học tự nhiên.
PGS-TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên CT Giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6-Bộ Cánh Diều cho biết, ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp.
“Ví dụ một bài học tải được cả kiến thức Hóa học và Sinh học nhưng ví dụ đó thực sự xa với cuộc sống thì nhận thức của các em lại khó. Chúng ta vẫn dạy kiến thức thế giới đang dạy nhưng kiến thức đó phải được lồng vào những hiện tượng của Việt Nam, lồng vào cuộc sống của học sinh để các em dễ học. Nhưng SGK mới khác với sách hiện hành là phải khơi nguồn sáng tạo.
Vì thế, chúng tôi xác định “nhiệm vụ kép” là phải hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy tích hợp cùng với đó là giúp thầy cô đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng phải phù hợp với năng lực học sinh. Tổng số giờ dạy Sinh học, Hóa học, Vật lý ở phổ thông hiện nay là bao nhiêu giờ thì với môn tích hợp Khoa học tự nhiên của lớp 6, 8, 8, 9, khi cộng vào thì số giờ của SGK cũ và SGK mới là tương đương nhau”, PGS-TS Mai Sỹ Tuấn cho hay.
Mới đây, theo công bố của Bộ GD-ĐT, ở lớp 2 sẽ chỉ còn 3 bộ được phê duyệt, gồm 2 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo) và 1 bộ sách của Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội (Cánh diều). Như vậy, 2 bộ sách giáo khoa sẽ không được tiếp tục phát hành ở lớp 2 là “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Trước băn khoăn của dư luận về hợp nhất 4 bộ SGK thành 2 bộ ở lớp 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trả lời về vấn đề này. Nhà xuất bản GDVN khẳng định: Hợp nhất SGK không ảnh hưởng đến dạy và học. |