Dân Việt

Đem cây dại về trồng để bán, người đàn ông Lạng Sơn thu cả tỷ đồng/năm

Anh Thư 13/10/2021 20:55 GMT+7
Nhờ loại cây hoang dại mọc đầy trên rừng, người đàn ông này đã có thu tiền tỷ mỗi năm.

Đang làm tại một Đài truyền hình, anh Nông Văn Khiêm (trú tại Tân Hiệp, Yên Thế, Bắc Giang) bỗng quyết định nghỉ việc, đưa vợ con về quê. Anh nhớ lại thời điểm đó vào năm 2014, gia đình anh làm đủ nghề để kiếm sống: từ hái lá tre xuất khẩu đến làm trang trại lợn, gà, bồ câu, thỏ... nhưng thu nhập đều không đủ trang trải cuộc sống.

“Trong một lần về quê nội ở Chi Lăng (Lạng Sơn) tảo mộ, tôi thấy rất nhiều sim. Mà hầu như năm nào về đây, tôi cũng thấy sim rất sai quả, trĩu cành. Nhớ lại chuyến đi Phú Quốc trước đó, tôi thấy người ta chế biến sim thành rất nhiều món khác nhau, giá bán cũng cao. Trong khi đó, ở quê tôi lại chẳng có ai thu mua”, anh kể lại.

img

Anh Khiêm quyết định về quê trồng sim làm kinh tế - loại cây dại mọc đầy trong rừng.

Anh đau đáu suy nghĩ về việc này, anh quyết định trở về quê để sinh sống và làm gì đó để gang gia đình và sống “chậm” lại. Anh liền liên hệ với người trong Phú Quốc và bất ngờ, họ mừng rỡ và nói rằng có bao nhiêu cũng thu mua nhưng với điều kiện quả sim phải chín đen. “Họ còn chuyển khoản trước cho tôi làm vốn”, anh cho hay.

Với quyết định khá nhanh, anh nhận được không ít phản đối từ gia đình. Bởi tâm lý của cha mẹ nào cũng muốn con cái thoát ly khỏi đồng ruộng, ra thành phố kiếm sống… Đặc biệt, anh lại về trồng thứ cây được người dân ở đây coi là cây dại, cây “vớ vẩn”, phá đi không hết.

“Bố mẹ và họ hàng nhà tôi cũng chịu áp lực rất nhiều từ những người hàng xóm xung quanh bàn ra tán vào, tôi chịu đựng tất cả, càng quyết tâm làm để chứng mình con đường mình đang đi là đúng đắn”, anh tâm sự.

img

Gia đình phản đối nhưng anh vẫn kiên quyết theo con đường của mình và thực hiện nó.

img

Theo anh, sim có nhiều loại, sim nếp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Anh cho biết bản thân rất tin tưởng về con đường mà anh đã lựa chọn. Anh đã vạch ra mục tiêu rõ ràng cho hướng đi của mình và cân nhắc rất kỹ trước mọi quyết định. Bởi anh tin rằng thị trường của quả sim rất rộng và tiềm năng. Tuy nhiên, anh phải tính toán nên trồng sim ở đâu sẽ đem lại kinh tế tốt nhất.

“Ví dụ như không thể phá vườn sầu riêng đi mà trồng sim được vì sầu riêng kinh tế hơn cây sim mặc dù chăm sóc vất vả hơn. Tôi chỉ có thể thay cây sim vào nhưng đồi đã trồng cây keo, cây bạch đàn và cây thông. Cây sim kinh tế hơn những loại cây đó nhiều, xét về ưu nhược điểm thì cây sim kinh tế hơn hẳn.

Cụ thể, 1 ha keo trồng chu kỳ 5 năm trung bình bán dc 120 triệu/ha, tính ra mỗi năm dc tầm 24 triệu/ha, trừ chi phí 4 triệu/1 năm công chăm sóc thì thu về được 20 triệu/1 năm. Loại cây này cứ 5 năm khai thác lại phải trồng lại. Còn cây cây sim thì trồng 1 lần, cây càng to càng nhiều quả. Tính 1 ha sẽ trồng được 1660 cây, mỗi cây thu khoảng 2 kg quả. Với 1ha sẽ thu hơn 3 tấn quả mà tính rẻ nhất nữa 20 nghìn /1 kg tôi cũng thu về cũng phải gấp 3 lần trồng keo”, anh phân tích.

Hơn nữa, cây sim còn chống xói mòn, chống bạc màu, cải tạo đất… Việc trồng cây mọc hoang ở rừng này còn không cần chăm sóc nhiều. Anh đi khắp nơi đào sim về trồng rồi bỏ đấy, lúc thu quả mới đến thăm thu hoạch. Cây này đặc biệt không kén đất trồng, càng đất bạc màu càng thích hợp, sỏi đá cũng vẫn phát triển tốt.

Theo anh, người trồng xác định trồng sim làm thuốc, làm cảnh hay làm kinh tế phải trồng sim nếp mới tối ưu. Bởi sim nếp quả to mọng, mềm, dẻo, vị ngọt, thơm, ít hạt hơn, có thể áp dụng cách thu hái dải bạt rung cây. Những kinh nghiệm này anh phải trồng 2 năm thu hái mới biết sim có nhiều loại nhưng chỉ sim nếp mới đạt tiêu chuẩn.

img

Nhờ bán loại quả này, anh thu về mỗi năm cả tỷ đồng.

Mùa thu hoạch sim thường diễn ra từ rằm tháng 7 tới rằm tháng 8 hàng năm. Sau đó đến mùa mâm xôi (phúc bồn tử). Năm 2019, anh Khiêm bắt đầu hái mâm xôi trong khu đất của mình, tổng cộng bán được 20 tấn quả. Nhờ hai mùa quả này và bán cây sim giống, vợ chồng anh thu được 4 tỷ đồng/năm.

Dịch Covid-19 cũng khiến thị trường tiêu thụ quả sim tươi ảnh hưởng khá nhiều, nhất là số lượng sim tươi bán cho các nhà máy sản xuất rượu ùn ứ lại rất nhiều. Do nắm bắt được thị trường, từ trước khi có dịch, anh đã tiến hành sấy khô sim và bán trên các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm này cũng được nhiều người ưa chuộng bởi loại quả này rất tốt cho sức khỏe của con người, đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa.

Hiện tại, anh vừa trồng sim vừa liên kết với các chủ đất ở nhiều nơi trồng sim để thu hái quả đạt chất lượng tốt nhất phục vụ cho khách hàng.