Kết phiên giao dịch 14/12, VN-Index giảm nhẹ 0,19 điểm (-0,01%) xuống 1.476,02. HNX-Index đóng cửa giảm 2,88 điểm (-0,63%) xuống 454,68 điểm. UpCOM-Index cũng giảm 0,21 điểm (-0,19%) xuống 112,09 điểm.
VN-Index giảm nhẹ 0,19 điểm (-0,01%) xuống 1.476,02.
Thanh khoản cao hơn phiên trước với tổng giá trị giao dịch đạt gần 33 nghìn tỷ đồng.
Áp lực bán gia tăng đã kéo VN-Index giảm hơn 7 điểm về ngưỡng hỗ trợ quanh 1.470 điểm trước khi hồi về mức cân bằng hơn.
Các Bluechips như VIC, VJC, VRE, VNM, PNJ, FPT, BVH,... cũng không hồi trong khi MSN, SAB, NVL chỉ tăng nhẹ. Dòng tiền cục bộ khiến phần lớn cổ phiếu Nhóm Midcap và Penny vẫn giảm điểm ngoại trừ một số cổ phiếu đã có đà tăng sẵn từ buổi sáng như HSG, NKG, POM, CMS, HAG, IDI,...
Rung lắc nhưng tiền gần như không vào khiến phần lớn cổ phiếu Ngân hàng không thể đảo chiều. LPB là cổ phiếu tăng tốt nhất nhóm Ngân hàng với mức tăng 3,4% trong khi đó một loạt cái tên như VCB, BID, CTG, VPB, MBB, SHB, STB, SSB, VIB,... vẫn giảm điểm.
Một số cổ phiếu Bất động sản bị đào sâu thêm mức giảm như HDG, KDH, PDR, thậm chí DPG còn sàn “trắng bên mua”.
Chốt phiên, HVN tăng 0,2% lên mốc 24.950 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HVN hôm nay tiếp tục có một phiên tăng điểm dù khá nhẹ. Chốt phiên, HVN tăng 0,2% lên mốc 24.950 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có hơn 4,8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. NHà đầu tư vẫn đang rất quan tâm đến mã này khi đến hết phiên khối lượng dư mua vẫn còn gấp 2,5 lần khối lượng dư bán.
Với đà tăng liên tiếp trong những phiên gần đây, cổ phiếu HVN đã tăng trở lại khá ấn tượng với mức tăng gần 12,4% chỉ trong 1tuần. Tuy nhiên, tính trong khoảng thời gian 3 tháng gần đây thì mã này vẫn đang giảm hơn 12,9%.
Liên quan tới mã cổ phiếu này, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào sáng 14/12/2021.
Tại phiên họp, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và nhất trí thông qua những định hướng lớn trong Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2021-2025; sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ Tổng Công ty; phương án kiện toàn Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã phát hành 796 triệu cổ phiếu HVN.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - thông tin: "Chúng tôi sẽ tiến hành tái cơ cấu đội máy bay và đàm phán các bên cho thuê nhằm hỗ trợ chi phí và đạt được kết quả tích cực. Hãng xây dựng bán máy bay nhằm mục tiêu giảm tàu bay và hiện đại hóa tàu bay thay thế tuổi lớn trên 12 năm. Năm 2021, hãng bán 9 tàu bay A321 và 6 AT72 . Năm 2022-2023, đội máy bay A321 bán 12 tàu bay".
Liên quan tới cổ phiếu HVN, tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã phát hành 796 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, qua đó thu về 7.961 tỷ đồng tiền mặt và tăng vốn điều lệ một lượng tương ứng.
Nhờ có dòng tiền tăng thêm này, vốn chủ sở hữu của tổng công ty đã chuyển từ âm vào cuối quý II thành dương vào cuối quý III.
Vietnam Airlines dự định sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và cải thiện năng lực tài chính. Mục tiêu là vốn chủ sở hữu cuối năm sẽ là số dương.
Vietnam Airlines sẽ đáp ứng được các điều kiện để hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN sẽ tiếp tục niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), không phải chuyển xuống giao dịch ở thị trường UPCoM.
Được biết, cổ phiếu HVN đang có nguy cơ bị hủy niêm yết do vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 bị âm hoặc lỗ lũy kế vượt qua vốn điều lệ thực góp hoặc cả hai lý do trên. Tổng công ty đã thua lỗ 7 quý liên tiếp, tổng lỗ sau thuế trong 9 tháng đầu năm nay là 12.153 tỷ đồng.
Để có thể ở lại sàn HOSE, Vietnam Airlines sẽ cần báo cáo kết quả kinh doanh quý IV khả quan để vốn chủ sở hữu tiếp tục dương và lỗ lũy kế không vượt vốn điều lệ.