Các tên lửa hạt nhân được triển khai ở cự ly gần khiến đối phương không kịp phòng vệ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đưa ra cảnh báo trên, cho rằng Nga buộc phải hành động nếu phương Tây từ chối ký hiệp ước kiểm soát hạt nhân INF ở châu Âu.
Hiệp ước là một trong những điều kiện của Nga để tháo gỡ căng thẳng ở Ukraine.
Trả lời với hãng thông tấn RIA Novosti, ông Ryabkov nói việc các nỗ lực chính trị và ngoại giao không có tiến triển là lý do Nga phản ứng bằng các giải pháp quân sự.
“Đây là cuộc đối đầu và đó sẽ là vòng tiếp theo”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói, ám chỉ việc đưa tên lửa hạt nhân tới châu Âu.
Các tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân bị cấm triển khai ở châu Âu theo hiệp ước ký năm 1987 giữa nhà lãnh đạo Nga Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Đến năm 1991, hai bên đã phá hủy gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm trung.
Mỹ đã rút khỏi hiệp ước INF vào năm 2019, cáo buộc Nga âm thầm phát triển tên lửa hành trình phóng từ đất liền. Tên lửa 9M728 (NATO gọi là Screwdriver), có tầm bắn lên tới 5.500km và được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Theo giới quan sát, Nga có thể đưa các tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân tới phần lãnh thổ thuộc châu Âu của nước này, ở phía tây dãy Ural. Đòn tấn công chớp nhoáng bằng tên lửa tầm trung của Nga có thể khiến các nước châu Âu không kịp phòng vệ.
“Đây là tín hiệu của Nga cho thấy nước này muốn NATO buộc phải đồng ý một số điều khoản để hạ nhiệt căng thẳng”, Gerhard Mangott, chuyên gia về chính sách đối ngoại và kiểm soát vũ khí tại Đại học Innsbruck ở Áo, nói.
Đây là tuyên bố mới nhất của ông Ryabkov, sau khi đưa ra bình luận rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ thổi bùng thảm họa hạt nhân, giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, có dấu hiệu cho thấy Mỹ và NATO muốn đưa các tên lửa tầm trung tới sát lãnh thổ Nga. Tháng trước, Mỹ khôi phục Bộ Tư lệnh Pháo binh số 56, có trụ sở tại phía tây Mainz-Kastel, Đức. Đây là lực lượng được trang bị tên lửa hạt nhân răn đe Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
NATO khẳng định sẽ không cho phép Mỹ đưa tên lửa mới đến châu Âu. Nhưng Nga tuyên bố các cam kết phải được đảm bảo bằng các hiệp ước và có ký kết cụ thể.
Nga cũng yêu cầu NATO ký cam kết không cho phép Ukraine gia nhập liên minh quân sự.