Dân Việt

Chiêu trò lừa đảo cũ rích vẫn có người trúng “bẫy”, tiền trong tài khoản bỗng “bốc hơi” hết sạch

Anh Thư 15/01/2021 04:55 GMT+7
Chiêu trò này đã xuất hiện từ rất nhiều năm qua nhưng không ít người vẫn không cảnh giác, để bị lừa mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Ngày 14/10, chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (Gia Lâm, Hà Nội) có thanh lý một chiếc túi xách với giá 100.000 đồng. Chị vừa đăng lên hội, nhóm thanh lý thì nhận được tin nhắn của một người phụ nữ có nickname Quỳnh Hoa hỏi mua. Chị vui vẻ trả lời và đồng ý bán lại chiếc túi xách với giá 100.000 đồng. Nhưng người này nói đang ở nước ngoài và muốn chuyển khoản, còn hàng sẽ có người nhận hộ.

Thông thường, chị cũng bán hàng nên biết cứ gửi hàng đi, khách trả cho shipper hoặc chuyển khoản cho mình. Nhưng nếu chuyển khoản, chị không phải làm bất kỳ thao tác gì mà chỉ đợi tin nhắn thông báo đã nhận tiền. Lần này lại khác, tài khoản này lại muốn chuyển khoản cho chị và yêu cầu chị nhập vào đường link để nhận tiền về.

“Nhận thấy sự khác lạ, tôi nhất định không nhập vì tôi từng đọc và biết về chiêu trò lừa tiền này này rồi. Nhưng sau đó, tôi lại cho con gái mượn điện thoại và không để ý đến nữa. Con gái tôi vẫn còn trẻ nên chưa hiểu, lại làm theo những gì người phụ nữ kia hướng dẫn là nhấp vào đường link và nhập mã otp. Chính vì thế, tôi mất sạch tài khoản trong ngân hàng với số tiền hơn 6 triệu đồng”, chị cho hay.

Ngay sau khi mất, chị đã ra ngay ngân hàng để thông báo về việc này. Đồng thời, chị cũng liên hệ ngay công an phường để được giải quyết. Tuy nhiên, đến bây giờ, chị vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào, xác định mất hẳn số tiền.

Trở về nhà, chị có đăng lên mạng xã hội vào các hội, nhóm để cảnh báo mọi người không bị mắc lừa như mình. Lúc đó, chị Oanh mới nhận ra rất nhiều người bị lừa như mình và với số tiền lớn hơn, có những người mất vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.

img

Chị Oanh đã đăng bài nhằm cảnh báo mọi người. Ảnh chụp màn hình.

Hành vi lừa đảo, lấy tiền trong tài khoản ngân hàng bằng cách nhập vào đường link lạ đã có từ rất lâu. Các phương tiện truyền thông đưa tin cảnh báo rất nhiều. Đặc biệt, các ngân hàng cũng đưa ra những cảnh báo cho khách hàng của mình, nhất là dịp cuối năm để lưu ý.

Trước đó, vào hồi tháng 5/2020, bà Hoàng Thị Hoa (ngụ quận 7, TP.HCM) cũng bị lừa tương tự như vậy và mất số tiền trong tài khoản là 848 triệu đồng. Theo đó, bà Hoa nhấp vào đường link họ gửi và làm theo hướng dẫn của họ. Sau đó, tài khoản của bà “bốc hơi” hết sạch.

Còn vào tháng 2/2020, bà Trang (quận 7, TP HCM) cũng cho biết sau khi đăng nhập vào đường link giả, tài khoản ngân hàng của bà tại Eximbank đã bị chiếm đoạt 54 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều khách hàng khác bị kẻ gian lừa chung một cách thức là dụ đăng nhập vào đường link giả và bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Theo đó, các nạn nhân sẽ nhận được đường link (thông qua tin nhắn, email, facebook messenger ...) với nội dung nhận tiền trúng thưởng, thanh toán tiền hàng hay nhận tiền từ người thân ở nước ngoài... Và kẻ lừa đảo sẽ cung cấp và yêu cầu truy cập vào các đường link, trang web để có cơ sở nhận thưởng hoặc nhận tiền.

Theo một chuyên gia ngân hàng, thông thường, kẻ gian sẽ tạo các đường link giả mạo có tên miền gần giống với tên ngân hàng nên nạn nhân nhầm tưởng là website của ngân hàng. Từ tin nhắn SMS, kẻ lừa dẫn dụ nạn nhân truy cập đến trang web giả mạo và khi nạn nhân đăng nhập username và mật khẩu của internet banking vào là đã để lộ thông tin cho kẻ gian.  Sau khi đã có thông tin đăng nhập, kẻ gian dùng nhiều thủ đoạn để lấy mật khẩu OTP và thực hiện giao dịch, lấy cắp tiền nạn nhân.

Liên quan đến vấn đề bảo mật ngân hàng, TS. LS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng đã cố gắng, nỗ lực trong việc đầu tư nâng cấp công nghệ, tăng tính bảo mật thông tin. Tuy nhiên, công nghệ thì thay đổi hàng ngày, trong khi ngân hàng không thể hàng tháng, hàng quý cải tiến, cập nhật được. Do đó, chính người dùng phải tự bảo vệ mình.

“Khi truy cập vào một website nào đó, khách hàng phải xem xét cẩn thận, xem có dấu hiệu gì nghi vấn hay không. Tài khoản, mã OTP của mình cần giữ cẩn thận, không tiết lộ cho bất cứ ai. Bên cạnh đó, người dùng không nên thực hiện giao dịch những nơi có wifi công cộng như bệnh viện, trường học, công viên, rạp chiếu phim… Đây là những nơi dễ bị hacker tấn công, lấy cắp thông tin dễ dàng nhất”, ông Tín lưu ý.