Dân Việt

Sau định danh cá nhân, người dân có thể sở hữu chữ ký số từ xa

Ngọc Phạm 16/11/2021 13:25 GMT+7
Ví dụ khi đi tiêm vắc-xin, nếu có ký số từ xa thì cả người đi tiêm và cán bộ y tế đều sẽ không phải cầm bút ký thủ công như hiện nay.

Tại hội thảo trực tuyến về chữ ký số cá nhân vừa diễn ra sáng 16/11, các diễn giả đến từ Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các ngân hàng, công ty chứng khoáng, bảo hiểm và công nghệ đã dành nhiều thời gian nói về ký số từ xa (remote signing), đặc biệt ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

img

Ký số từ xa là giải pháp công nghệ hứa hẹn thay thế cho việc ký tá truyền thống.

Hiện nay, hình thức xác thực cho các giao dịch vẫn chủ yếu thực hiện với SMS OTP, Token OTP, email OTP,… cho cá nhân và SmartOTP (Soft OTP) cho các giao dịch nhóm. Các hình thức xác thực này đã giúp giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, giao dịch an toàn; tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế như phải chờ đợi mã xác thực riêng lẻ cho từng giao dịch, với một số thiết bị phải nhập thủ công mã OTP có thể dẫn đến sai sót,...

Theo ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cách đây 10 năm, USB Token đã bắt đầu được sử dụng để ký số. Tuy nhiên, khi đó, giải pháp này chỉ ký được ở các thiết bị cắm được USB. Giờ đây, chữ ký số đã phát triển cho đa nền tảng từ smartphone, tablet,... tới PC, laptop và thậm chí còn hỗ trợ ký lô "thần tốc", đó chính là chữ ký số từ xa.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia cho biết, chữ ký số từ xa giúp xác thực cả hai yếu tố là người ký và nội dung được ký. Giải pháp này sử dụng công nghệ phân tán nên các tổ chức, cá nhân nhận được bản ký hoàn toàn có thể tải lên cổng thông tin chứng thực để kiểm tra.

img

Hội thảo được tổ chức trực tuyến vào sáng 16/11.

Về bảo mật, theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia, chữ ký số từ xa sử dụng đường truyền bảo mật giữa người sử dụng và máy chủ dịch vụ. Hệ thống sẽ sử dụng video nhiều góc độ và cả trí tuệ nhân tạo (AI) để xác thực việc đăng ký của người dùng. Do đó, giải pháp này đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật, và hiện đã có 3 đơn vị tại Việt Nam được cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa.

Chữ ký số từ xa khác với dịch vụ ký số truyền thống là khóa bí mật của chứng thư sẽ được lưu tại hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ thay vì trên thiết bị của người dùng. Khâu trọng yếu nhất của loại hình dịch vụ này là đảm bảo an toàn của chứng thư số và chỉ được sử dụng khi thuê bao cho phép.

Chia sẻ tại hội thảo, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng đã nói về hai góc độ liên quan tới chữ ký số từ xa, như một giải pháp bổ sung cho hệ sinh thái "chuyển đổi số 100%" sau định danh cá nhân. Đầu tiên là các bên liên quan phải làm sao để người dân nhìn thấy ký số từ xa "trong suốt", tiện dụng hơn ký tay. Sau nữa là chính quyền phải làm cho dân hiểu chính sách, thể chế.

Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu ví dụ về những tính huống thực tế có thể ứng dụng chữ ký số từ xa, như trong dịch vụ công trực tuyến, hóa đơn điện tử hộ gia đình. Ngay cả trong dịch bệnh COVID-19, ví dụ khi đi tiêm vắc-xin, nếu có ký số từ xa thì cả người đi tiêm và cán bộ y tế đều sẽ không phải cầm bút ký thủ công như hiện nay.

Đáng chú ý, thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin thêm, dự kiến đầu năm 2022, Bộ TT&TT sẽ ban hành chương trình hành động chữ ký số cá nhân trong xã hội. Hay nói cách khác, trong tương lai tới đây, chữ ký số sẽ dần trở nên thông dụng hơn trong cuộc sống của mỗi cá nhân, chứ không chỉ dành cho doanh nghiệp như bấy lâu nay.