Ông Abe liên tục đưa ra tuyên bố chọc giận Trung Quốc trong vài tuần gần đây (ảnh: SCMP)
Theo nhiều chuyên gia, sau khi rời khỏi ghế Thủ tướng Nhật, giờ đây ông Abe đã có thể tự do nói ra những suy nghĩ của mình.
Trong khi liên tục cảnh báo Trung Quốc về hành động “phiêu lưu quân sự” nhằm vào Đài Loan, ông Abe cũng có thể đang thiết lập “ranh giới đỏ” với Fumio Kishida - Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm bị cáo buộc là “thân Bắc Kinh” sau quyết định bổ nhiệm tân Ngoại trưởng gây tranh cãi, SCMP đưa tin.
Đối với Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đang cầm quyền ở Nhật Bản, tiếng nói của ông Abe vẫn có sức nặng rất lớn.
Hôm 14.12, cựu Thủ tướng Abe nói rằng một cuộc “phiêu lưu quân sự” của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan sẽ là “hành động tự sát”. Trước đó, ông Abe cũng khiến Trung Quốc tức giận khi tuyên bố vấn đề khẩn cấp của Đài Loan cũng là vấn đề khẩn cấp đối với Nhật Bản và liên minh quân sự Mỹ - Nhật.
“Chúng ta phải thúc giục Trung Quốc ngừng theo đuổi bành trướng lãnh thổ và khiêu khích, bắt nạt các nước láng giềng”, ông Abe nhấn mạnh.
Thủ tướng Fumio Kishida bị một số nghị sĩ LDP cáo buộc là “thân Trung Quốc” sau quyết định bổ nhiệm Ngoại trưởng Hayashi (ảnh: SCMP)
Theo nhiều chuyên gia, những cảnh báo của ông Abe không chỉ dành cho Trung Quốc mà còn cả Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi. Theo SCMP, ông Abe từng phản đối gay gắt việc Thủ tướng Kishida bổ nhiệm ông Hayashi vào vị trí Ngoại trưởng. Ông Hayashi cũng bị nhiều nghị sĩ của LDP cáo buộc là “chính trị gia thân Trung Quốc nhất Nhật Bản”.
“Những điều ông Abe nói về Trung Quốc đang gây tranh cãi lớn nhưng tôi phải thừa nhận rằng nó đúng. Nếu Đài Loan rơi vào tình thế bất lợi trước Trung Quốc, cả Mỹ và Nhật đều có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng về lợi ích địa chính trị và không thể ngồi yên. Ông Abe đã đúng khi cho rằng an ninh của Nhật Bản không tách rời an ninh Đài Loan”, Akitoshi Miyashita – giáo sư quan hệ quốc quốc tế ở Tokyo – nhận xét.
“Ông Abe đang nói chính xác những gì mình nghĩ khi còn tại vị. Thủ tướng đương nhiệm Kishida có thể cũng có suy nghĩ tương tự nhưng không thể nói ra. Ở thời điểm hiện tại, ông Kishida muốn có một mối quan hệ êm đẹp với Trung Quốc. Ông ấy đang cảm thấy khó xử sau khi các đồng minh như Mỹ, Canada, Úc liên tục tuyên bố tẩy chay Olympic mùa đông ở Bắc Kinh”, ông Miyashita nói thêm.
Jeff Kingston – giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple – cho rằng, ông Abde đang cố kéo Thủ tướng Nhật Kishida và Ngoại trưởng Hayashi lên “chung thuyền”.
“Những phát biểu gay gắt của ông Abe chọc tức Bắc Kinh thì ít mà nhắm vào Thủ tướng Kishida và Ngoại trưởng Hayashi thì nhiều. Ông Abe cùng nhiều nghị sĩ trong đảng LDP đang lo ngại 2 nhân vật này có tư tưởng ngả về Trung Quốc và quyết định can thiệp vào chiến lược ngoại giao. Lo lắng của ông Abe là có cơ sở khi ông Hayashi đang phát tín hiệu tích cực cho một cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, ông Kingston nhận định.
“Đây là một nước đi hay của ông Abe nhằm vạch ra lằn ranh đỏ giữa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Kishida”, ông Kingston nói thêm.