Thủ tướng đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc vào thu mua vải thiều
Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho biết Thủ tướng đã đồng ý cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều theo phương án tỉnh đã đề xuất.
Hiện tỉnh đã sẵn sàng các phương án đón thương nhân Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai về tổ chức cách ly theo quy định và nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.
UBND huyện Lục Ngạn đã có phương án chuẩn bị 8 khách sạn, nhà nghỉ để đón các thương nhân Trung Quốc.
Theo đó, các thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền của Trung Quốc cấp trong thời gian 3 ngày. Đồng thời thực hiện cách ly tập trung theo đúng quy định (không có trường hợp ngoại lệ) và được xét nghiệm 2 lần khi vào và trước khi ra khỏi khu cách ly tập trung.
Được biết, UBND huyện Lục Ngạn đã có phương án chuẩn bị 8 khách sạn, nhà nghỉ để đón các thương nhân Trung Quốc đến mua vải cách ly phòng dịch Covid-19.
Trước đó, để thực hiện tốt các phương án tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng cùng các bộ ngành liên quan thống nhất tham mưu cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và giám sát, phối hợp thu mua vải thiều.
Bộ Công Thương đề nghị chống dịch ở khu công nghiệp, thương mại
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, tình hình dịch bệnh lần 4 rất phức tạp bởi trọng điểm chống dịch tập trung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất kinh doanh, trung tâm thương mại, chợ truyền thống...
Việt Nam hiện có gần 400 khu công nghiệp, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp gần 4 triệu người. Đồng thời, khoảng 600.000 lao động đang làm việc tại 700 cụm công nghiệp. Trong khi đó, khu vực thương mại có 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, gần 9.000 chợ và 600.000 nhà hàng.
Việt Nam hiện có gần 400 khu công nghiệp.
Trước tình hình đó, ông đề nghị ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh quán triệt, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19.
Mặt khác, về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng đổ xô tích trữ hàng hóa hay thiếu hàng, sốt giá.
Xem xét miễn giảm tiền điện cho các cơ sở cách ly tập trung
Bộ Công Thương cho biết vừa ban hành Chỉ thị số 07 ngày 12/5 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo đó, Bộ yêu cầu Cục Điều tiết điện lực xem xét báo cáo Thủ tướng về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly và khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, chống các hành vi đầu cơ và găm hàng, Bộ Công Thương đề nghị Vụ Thị trường Trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Hộ gia đình tăng vay nợ để tiêu dùng
Bộ phận phân tích Global Research của HSBC vừa có báo cáo Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?, trong đó tập trung phân tích bảng cân đối kế toán của 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank).
Theo HSBC, 4 nhà băng nói trên hiện chiếm hơn một nửa tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống, nên việc phân tích dư nợ tại đây cũng phản ánh tương đối bức tranh chung của hoạt động cho vay ngân hàng.
Tại báo cáo, các chuyên gia tại đây chỉ ra trong khi tăng trưởng nợ hộ gia đình tại 4 ngân hàng này ở mức vừa phải năm 2020, thì đòn bẩy tiêu dùng tăng cao lại là một mối lo ngại lớn, đặc biệt khi điểm yếu của thị trường lao động vẫn tiếp diễn.
Cụ thể, tỷ trọng cho vay hộ gia định tại 4 ngân hàng quốc doanh đã tăng đáng kể từ 28% vào năm 2013 lên 46% vào năm 2020, tương đương với nợ hộ gia đình tăng nhanh từ 25% GDP lên 61% trong cùng kỳ.
Nếu tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí đã tăng từ 41% thu nhập bình quân đầu người lên hơn 100% thu nhập tương ứng giai đoạn 2013-2020.
HSBC lưu ý các khoản nợ hộ gia đình kể trên không phải dành tất cả cho tiêu dùng mà một phần được sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Đề xuất bỏ trần giá vé với đường bay có từ 3 hãng khai thác
Theo dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật hàng không dân dụng đang được Cục Hàng không lấy ý kiến, các đường bay cạnh tranh cao được đề xuất bỏ giá vé trần.
Dự thảo nêu rõ, Cục Hàng không đang đề xuất sửa đổi điều 116 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Cụ thể, với trường hợp đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.
Với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác cả dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Điều này đồng nghĩa nhà chức trách hàng không Việt Nam đang đề xuất bỏ trần giá vé với các đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hay các đường bay có tính cạnh tranh cao.