Vì gia đình khó khăn, Nguyễn Văn Nhị, trú tại Quảng Bình, phải nghỉ học khi kết thúc chương trình lớp 9 và đi làm thuê. Một hôm, chủ vườn gọi cậu vào nhường lại suất học 6 tháng về vi sinh vật do chuyên gia nước ngoài dạy tại Học viện Nông nghiệp Hà Nội.
Tháng 8/2010, Nhị giấu gia đình và lên Hà Nội đi học. Thời điểm này anh chỉ còn 1 triệu đồng tiền tiết kiệm nhưng vẫn xoay sở được ở Hà Nội để sống và học tập. Mỗi ngày anh chỉ ăn một gói mì tôm, tối về ngủ dưới gầm cầu thang của chủ trọ. Còn những thời gian rảnh, anh xin làm bảo vệ để kiếm 50.000 đồng/ngày để gửi về nhà phụ mẹ nuôi em.
Trở về quê, anh lại đi làm thuê cho một trang trại trồng tiêu hữu cơ. Hơn 3 năm làm thuê, anh đã tiết kiệm được 400 triệu đồng và làm chủ vườn tiêu của riêng mình. Anh vay thêm tiền và trồng 10ha tiêu, nhưng trận bão năm 2017 đã khiến toàn bộ tiêu mất trắng.
9x khởi nghiệp với cách nuôi gà không giống ai, mỗi năm thu lãi nửa tỷ đồng.
Lần phá sản này, anh nợ một khoản tiền kha khá. Nghe tin, mẹ của anh đã lên kế hoạch cho anh đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Lúc này đang nợ nần, anh nghe theo và cầm số tiền 100 triệu đồng từ thế chấp sổ đổ của gia đình để lên Hà Nội học tiếng chuẩn bị ra nước ngoài kiếm tiền trả nợ.
Tại thủ đô, trong một lần ăn nhà hàng, anh Nhị được thưởng thức món gà ri hữu cơ. Anh thấy ăn rất ngon và cái tên cũng rất đặc biệt, anh tự tìm hiểu và thấy khá thích thú. Lúc này, anh cầm số tiền còn lại là 50 triệu đồng trở về nhà khởi nghiệp nuôi gà, bỏ dở việc học tiếng sang Hàn.
“Biết được tin, gia đình tôi phản đối dữ dội lắm. Nhưng tôi mặc kệ, tôi rủ thêm bạn thành lập công ty nuôi gà sinh học. Nhưng đến nay khi đã trụ vững, tôi đã tách riêng và đang một mình làm chủ công ty”, anh cười nói.
Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, mọi thứ rất khó khăn với anh. Trong đó, anh thấy khó nhất là việc tìm kiếm con giống. “Vì đây là giống gà rừng khá hiếm nên để tìm số lượng lớn rất khó, tôi phải dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm và gây dựng dần dần. Phải mất cả năm sau, tôi mới có 5.000 con gà trong trang trại”, anh chia sẻ.
Khi mới làm, anh Nhị xác định nuôi gà “thuận tự nhiên”, không nhốt. Thức ăn tự phối trộn ngô, thóc, mầm lúa mạch và đạm cá. Hai lứa đầu tiên nuôi thuận lợi, anh thu lãi vài chục triệu đồng/lứa. Nhưng đến lứa thứ 3, gà đổ bệnh chết hàng loạt.
Lúc này, anh đi tìm nguyên nhân và biết đến thức ăn sinh học hữu cơ. Đó là sử dụng ngô, lúa mạch, đậu tương… kết hợp với công nghệ vi sinh vật giúp gà kháng bệnh và hấp thu dinh dưỡng tốt. Anh tự thuê phòng nghiên cứu và tự phối trộn vi sinh vật vào thức ăn để tiết kiệm chi phí.
Anh cho biết loại gà này không lo đầu ra, giá bán luôn ở mức cao ngất.
Áp dụng với đàn gà nhà mình, anh thấy chúng quả nhiên có tác dụng như vậy thật. “May mắn thay, gà sử dụng thức ăn này không cần dùng vắc-xin, không cần kháng sinh và cũng không cần dùng thuốc mà gà vẫn khỏe mạnh. Thời gian chăm sóc chúng được rút ngắn hơn nên cả trang trại 5.000 con gà chỉ cần 2 người chăm là đủ”, anh cho hay.
Còn về đầu ra của sản phẩm, anh cho biết giá cả chưa bao giờ là rẻ, từ khi nuôi, anh đều xuất bán với giá 300.000 đồng/con gà sống, còn gà đã làm sạch là 360.000 đồng/con. Những con gà này đều được nuôi 7 tháng mới xuất bán. Tính ra, mỗi năm anh thu lãi đến 400-500 triệu đồng.
Nhờ những thành tựu đạt được, anh được công nhận là một trong 10 thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh nhận giải thưởng Lương Ðịnh Của và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020.
Không chỉ giúp mình, anh Nhị còn liên kết với 40 hộ dân thành nhiều tỉnh thành để cung cấp cám vi sinh cho họ. Anh dự định trong tương lai sẽ liên kết với nhiều hộ gia đình và cung cấp cám vi sinh, kỹ thuật nuôi cho họ, đồng thời bao đầu ra, giúp các hộ dân có thu nhập ổn định.