Sinh ra ở vùng biển thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định), anh Trần Ba Duy (SN 1990) cho biết, với 2 bàn tay trắng từ quê lên Hà Nội, anh đã từng phải vất vả với đủ nghề để kiếm sống qua ngày.
“Ngày mới lên Hà Nội, tôi làm tất cả mọi việc từ bán hàng, làm xe ôm, chạy taxi để kiếm tiền. Thế nhưng, tiền kiếm được hàng ngày nhiều khi không đủ tiền ăn và tiền nhà trọ”, anh Duy kể.
Rong ruổi qua các con phố, một lần anh đi qua đường Kim Đồng (Hoàng Mai, Hà Nội), thấy có cửa hàng bán hải sản với đủ các loại được khách vây quanh, nhân viên bán hàng mỏi tay không kịp. Khi ấy, trong đầu anh chợt lóe lên suy nghĩ, mình sinh ra ở biển, có đủ các loại hải sản tươi sống mới bắt ở biển lên, sao mình không thử mang lên để bán.
Anh Duy đã chọn khởi nghiệp bằng việc buôn bán hải sản tươi sống tại Hà Nội.
Nghĩ là làm, để biết cách bán hàng và vận hành, giảm thiểu thua lỗ, anh Duy liền ra cửa hàng hải sản xin việc và học dần cách bảo quản, vận chuyển hải sản từ các vùng biển lên Hà Nội.
Khi nắm bắt được cách vận hành và giá cả thị trường, anh xin nghỉ việc ở cửa hàng hải sản và tiếp tục làm xe ôm. Vừa làm vừa tự tìm mặt bằng để mở cửa hàng hải sản.
“Đợt đó là tháng 8/2018, tôi vừa lấy vợ và có con nhỏ, khó khăn lắm nhưng khi tìm được mặt bằng phù hợp ở phố Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội), tôi vẫn quyết tâm làm bằng được. Vợ tôi ủng hộ và cùng tôi vay mượn được 200 triệu để mở cửa hàng đầu tiên”, anh Duy kể.
Với 200 triệu đồng, sau khi setup cửa hàng và mua các vật dụng, máy móc cần thiết, anh Duy mang số tiền còn lại đi nhập hàng.
Những ngày đầu mở cửa hàng, không có tiền thuê nhân viên, anh Duy phải một mình vừa bán hàng vừa đi lấy hàng. Ngày thì bán hàng đến 9-10 giờ đêm rồi dọn dẹp, ăn cơm. Đến 1-2 giờ sáng lại một mình chạy xe đến nơi tập kết hàng để lấy hàng tươi sống.
“Trong tháng đầu, chưa có nhiều tiền để nhập hàng về trưng bày và bán, lượng khách cũng chưa có nhiều, mỗi ngày chỉ bán được vài triệu tiền hàng. Chưa kể, kinh doanh mặt hàng tươi sống, nhập về không bán được mà chết là lỗ nặng. Gian nan, vất vả lắm nhưng tôi vẫn cố, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro”, anh Duy cho hay.
Dần dần, rút được kinh nghiệm, anh luôn đo lượng nước, độ lạnh để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho các loại hải sản tại cửa hàng. Ngoài ra, anh còn thuê thêm nhân viên, phân công từ 2-3 nhân viên túc trực ở cảng biển để nhập những con hàng khỏe trước khi mang về Hà Nội. Vì vậy, anh đã giảm thiểu được lượng hàng chết, giảm thất thoát và rủi ro.
Cửa hàng hải sản với đa dạng các mặt hàng từ trong nước tới nhập khẩu của anh Duy.
Từ mặt hàng hải sản Giao Thủy, anh đẩy mạnh sang các loại hải sản ở Quảng Ninh với phong phú các mặt hàng tươi sống, được nhiều khách hàng ủng hộ. Ngoài các loại hải sản trong nước, anh còn nhập thêm các loại hải sản cao cấp như tôm hùm Alaska, cua hoàng đế, bào ngư Úc, ốc vòi voi…
Ngoài ra, mỗi khách hàng khi đến mua hải sản tại cửa hàng, anh đều xin lại số điện thoại để liên lạc, hỏi ý kiến khách về chất lượng hàng để kịp thời bao bù, đổi nếu có vấn đề. Nhờ vậy, lượng khách hàng ngày một đông, anh tiếp tục mở thêm các chi nhánh khác ở Hoàng Cầu, Nguyễn Chánh, Bưởi, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi để bán.
Khởi nghiệp với 200 triệu đồng, hiện nay anh Duy đã sở hữu 6 cửa hàng hải sản lớn nhỏ khắp Hà Nội.
“Hải sản là mặt hàng giá trị cao nhưng chi phí vận hành cũng cực kỳ lớn nên lợi nhuận không được nhiều như một số sản phẩm, ngành hàng khác. Ví dụ như chi phí vận hành mỗi cơ sở nhỏ hết từ 100-150 triệu đồng/tháng, cơ sở lớn hơn thì hết khoảng 200-250 triệu đồng”, anh Duy cho hay.
Đến nay, sau 3 năm khởi nghiệp, anh Duy sở hữu chuỗi cửa hàng hải sản với 6 cửa hàng khắp Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho 22 nhân viên. Doanh thu mỗi cơ sở đạt hàng trăm triệu đồng/ngày, tổng lợi nhuận đạt khoảng trên 100 triệu đồng/tháng.
Năm 2020, vợ chồng anh cũng đã mua được nhà tiền tỷ tại Hà Nội, tháng 9/2021 anh tiếp tục mua được xe ô tô cá nhân để thuận tiện hơn cho việc di chuyển. Dự tính, thời gian tới anh Duy sẽ mở thêm nhà hàng hải sản chế biến tại chỗ để phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng.