Dân Việt

Nóng tuần qua: Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chưa từng thấy

Theo Thiên Lý 17/10/2021 16:10 GMT+7
Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao chưa từng thấy

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chưa từng thấy

Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng đầu năm tại Việt Nam. Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng.

Tổng cục Thống kê cho biết tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

img

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao

Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III là hơn 1,8 triệu người, tăng 700.300 người so với quý trước và tăng 620.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm là 4,46%, lần lượt tăng 1,86 điểm phần trăm và tăng 1,74 điểm phần trăm.

Trong khi đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở quý này là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,98%, trong khi con số thông thường chỉ khoảng 2%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, lao động thiếu việc làm là hơn 1,3 triệu người, tăng 187.200 người so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,3 triệu người, tăng 126.500 người.

Nợ công đang ở ngưỡng 3,7 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2021, Chính phủ đã thực hiện huy động 298.758 tỷ đồng. Dự kiến tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2021 khoảng trên 514 nghìn tỷ đồng, bằng 82,4% so với kế hoạch; trong đó chủ yếu vay trong nước với khoảng 463 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 87,8% tổng huy động của Chính phủ.

Tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021 là hơn 289,3 nghìn tỷ đồng. trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 270.793 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 18.534 tỷ đồng.

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365.932 tỷ đồng (92,8% kế hoạch), trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 338.415 tỷ đồng (92,4% kế hoạch); trả nợ nước ngoài của các dự án cho vay lại 27.517 tỷ đồng, bằng (97,3% kế hoạch).

Dự kiến năm 2021, nợ công khoảng hơn 3,7 triệu tỷ đồng, bằng 43,7% GDP.  Nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 24,8%.

Chính phủ dự kiến nhiệm vụ huy động vốn vay năm 2022 ở mức 571.014 tỷ đồng.

Đầu 2022, đồng loạt mở lại đường bay quốc tế thường lệ

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, sau chuyến bay thí điểm đưa khách quốc tế tới Phú Quốc vào cuối tháng 11, sẽ mở rộng ra một số địa phương khác như Khánh Hòa, Quảng Ninh,... cố gắng đến đầu năm 2022 tổ chức lại các chuyến bay quốc tế thường lệ.

Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với nhà chức trách hàng không quốc tế triển khai đón các chuyến bay charter (thuê chuyến) đến Phú Quốc, kể cả từ các điểm mà Việt Nam chưa có đường bay. Chỉ cần Phú Quốc đón 1-2 đến 5 chuyến bay quốc tế thành công thì có thể áp dụng với Khánh Hòa, Quảng Ninh,... tiến tới mở rộng các chuyến bay quốc tế thường lệ ra các địa phương khác từ đầu năm 2022.

img

Đồng loạt mở lại nhiều đường bay

Về các đường bay nội địa, việc mở lại một số đường bay thí điểm trong vòng 10 ngày (từ 10-20/10) là bước tập dượt của các sân bay, hãng hàng không, từ đặt vé, xét duyệt hành khách đủ điều kiện an toàn, làm thủ tục, trên máy bay, hạ cánh, ra khỏi sân bay và phối hợp chặt chẽ với địa phương để tiếp nhận và theo dõi sức khỏe hành khách.

Thành lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho 19 tập đoàn, tổng công ty

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, tổ công tác đặc biệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh làm tổ trưởng; Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh làm tổ phó.

Tổ công tác đặc biệt còn gồm có Vụ Tổng hợp, Vụ Năng lượng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ pháp chế, kiểm soát nội bộ, Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Văn phòng Ủy ban, Trung tâm Thông tin.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.