Dân Việt

Chuỗi cầm đồ F88 – DN vừa phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 100 tỷ đồng, làm ăn ra sao?

Hồng Hương 17/10/2021 07:59 GMT+7
Công ty cổ phần Kinh doanh F88, đơn vị sở hữu chuỗi cầm đồ cùng tên, mới thông báo phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 100 tỷ đồng.

Số tiền thu được công ty sẽ phục vụ cho hoạt động cho vay cầm cố, mở rộng hệ thống cửa hàng và trả lương, thưởng cho nhân viên.

Trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, không tài sản đảm bảo và lãi suất cố định 11,5%. Một quỹ đầu tư chứng khoán trong nước đã chi 74,6 tỷ đồng để mua trái phiếu này, còn lại đến từ nhà đầu tư cá nhân.

img

Công ty cổ phần Kinh doanh F88 vừa thông báo phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 100 tỷ đồng

Được biết, đây là lần thứ bảy trong năm nay F88 huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tổng giá trị phát hành đã đạt 800 tỷ đồng, trong đó bao gồm 300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng với lãi suất 12,5%; 250 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm lãi suất 12% và 50 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm với lãi suất 9%. Các loại trái phiếu đều không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Về tình hình kinh doanh, song song với việc huy động vốn, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, F88 báo cáo ước tính doanh thu vẫn tăng 285% so với cùng kỳ năm 2020, vượt cả doanh thu của năm 2020.

Theo báo cáo xếp hạng tín nhiệm công bố chiều 12/10, FiinRatings đánh giá F88 ở mức "ổn định" khi doanh nghiệp này liên tục hoàn thành kế hoạch kinh doanh đặt ra trong nhiều năm.

Tính đến cuối tháng 6, đòn bẩy tài chính được đo lường bằng tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 3,5 lần. Công ty đang có kế hoạch huy động vốn cổ phần từ nhà đầu tư chiến lược vào đầu năm sau nên tỷ lệ đòn bẩy tài chính có thể được duy trì dưới mức 4 lần trong trung hạn.

Điều đáng nói, dù được rót vốn liên tục với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tuy nhiên kết quả kinh doanh của F88 lại không mấy sáng sủa.

Giai đoạn 2016-2019, dù doanh thu liên tục tăng trưởng nhưng do chi phí tăng cao, chuỗi cầm đồ này thậm chí báo lỗ trong 2 năm liên tiếp 2016, 2017. Đến năm 2018, F88 có lãi mỏng 2,69 tỷ đồng và năm 2019 lãi 19,2 tỷ đồng nhưng chủ yếu đến từ thu nhập khác. Kinh doanh “bết bát” khiến F88 lỗ lũy kế 18 tỷ đồng cuối năm 2019 và phải hết năm 2020 khoản lỗ này mới được khỏa lấp.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, việc dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Vì vậy để bù đắp, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.

Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Về nguyên tắc, hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên họ có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.

Được biết, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 được thành lập năm 2013, do ông Phùng Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc. F88 cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố tài sản và các tiện ích tài chính khác như bảo hiểm kết hợp với tổng công ty Bảo hiểm Bưu Điện, Công ty Bảo hiểm nhân thọ MAP Life, dịch vụ thu hộ, chi hộ, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền, nạp rút tiền Momo…

Chiếu theo danh sách doanh nghiệp phát hành trái phiếu 6 tháng đầu năm 2021, nhiều đơn vị không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng, trong khi bức tranh tài chính không mấy khả quan, vẫn phát hành thành công, trong đó có F88.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) mới đây đã lưu ý về việc cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường.

Cụ thể, về phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.