Dân Việt

Giật mình với số người cấp cứu do đánh nhau dịp Tết Tân Sửu

Diệu Thu 17/02/2021 06:40 GMT+7
Theo Bộ Y tế, trong đợt Tết Nguyên đán có hơn 4.000 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau (7 trường hợp tử vong).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 ngày nghỉ Tết, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện khám, cấp cứu cho 285.309 lượt bệnh nhân, tăng 14% so với cùng kỳ Tết Canh Tý. Trong đó số nhập viện điều trị nội trú giảm gần 16%.

img

Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện (Ảnh: NLĐ)

Liên quan đến cấp cứu do tai nạn giao thông, trong 6 ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế đã khám, cấp cứu cho 29.650 trường hợp liên quan đến tai nạn giao thông, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ Tết Canh Tý. Tuy nhiên, số nhập viện điều trị theo dõi lại tăng gần 8%. Trong đó, có 163 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, nhiều hơn 23 ca so với cùng kỳ Tết Canh Tý 2020.

Ngoài ra, cũng có hơn 4.000 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau (7 trường hợp tử vong), hơn 3.700 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động (10 người đã tử vong, ít hơn 14 trường hợp so với cùng kỳ Tết năm trước).

Đặc biệt, trong 6 ngày Tết, các cơ sở y tế cũng thực hiện đỡ đẻ, mổ đẻ thành công cho hơn 16.500 trẻ.

Ngoài ra, tổng số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 194 trường hợp, giảm gần 55%.

Tại Bệnh viện Việt Đức, trong 6 ngày Tết, tính từ ngày 28 tháng Chạp (9/2) đến hết mùng 4 Tết (15/2), tổng số bệnh nhân bị tai nạn nói chung nhập viện là 665 ca, giảm hơn so với năm 2020 là 103 ca. Trong đó số bệnh nhân tai nạn giao thông giảm 25 ca nhưng số bệnh nhân tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia lại tăng với 49 ca. Đặc biệt, số tai nạn sinh hoạt giảm mạnh với 132 ca năm nay so với 206 ca trong dịp Tết 2020.

Tuy nhiên, số ca tai nạn do pháo nổ tăng với 12 ca năm nay so với 8 ca năm 2020.

Tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu bia tăng cao, chỉ tính riêng trong buổi sáng mùng 5 Tết, 5/6 ca tai nạn giao thông từ tuyến dưới xin chuyển lên đều có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia. Cấp cứu chấn thương sọ não trong tai nạn giao thông vốn rất khó khăn, tuy nhiên với các bệnh nhân có sử dụng rượu bia thường mê sâu và không thể xác định được mức độ tổn thương nên việc xử lý càng khó khăn.