Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hội nghị G7 năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Trong thông báo cách đây vài ngày, Nhà Trắng nhấn mạnh “việc cập nhật những nguyên tắc toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức kinh tế, như những thách thức từ Trung Quốc” sẽ nằm trong số những chủ đề chính trong hội nghị G7, bên cạnh việc nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế thế giới, theo SCMP.
Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị G7 kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20.1. Lần gần đây nhất nhóm 7 cường quốc công nghiệp phát triển là vào tháng 4.2020.
Cuộc họp lần này diễn ra theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh G7 và chương trình nghị sự trong hội nghị, Trung Quốc lên tiếng phản đối “chính trị mang tính bè phái” và tình trạng đối đầu về ý thức hệ. “
“Chúng tôi phản đối chính trị theo nhóm dựa trên sự phân chia ý thức hệ, thiết lập bè phái có chọn lọc và áp đặt ý chí của một nhóm thiểu số các nước lên xã hội quốc tế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
“Những hành động như vậy sẽ không nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế hoặc đem lại lợi ích cho chính các quốc gia trong nhóm G7, chỉ khiến thế giới càng thêm chia rẽ và đối đầu”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Trung Quốc cho rằng, các cuộc họp với quy mô quốc tế nên thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Các vấn đề toàn cầu nên được quản lý chung bởi nhiều nước khác nhau.
“Chúng tôi hi vọng tất cả mọi người có thể cùng nhau giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn thay vì tồi tệ, yên bình hơn thay vì hỗn loạn, đoàn kết hơn thay vì chia rẽ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc gần đây còn có mối quan hệ căng thẳng với nhiều quốc gia trong nhóm G7, bao gồm Anh và Canada.