Đề xuất phê duyệt dự án tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai.
Tổng mức đầu tư dự án là 1,7 tỷ USD, tương đương 40.577 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai do UBND TP Hà Nội là cơ quan chủ quản, có chiều dài 8,7km đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác (vành đai 1), Mai Động (vành đai 2) và kết thúc phía sau Vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tàu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở).
Dự kiến thời gian thực hiện dự án là từ năm 2023 đến năm 2028 với tổng mức đầu tư là 1,7 tỷ USD, tương đương 40.577 tỷ đồng. Trong đó vốn vay các nhà tài trợ nước ngoài: 1.478,68 triệu USD, tương đương 34.231 tỷ đồng, gồm vay ADB 940,8 triệu USD; vay KfW 305,08 triệu USD; vay AFD 232,8 triệu USD. Phần còn lại là vốn đối ứng trị giá 6.346 tỷ đồng, tương đương 274,1 triệu USD từ nguồn ngân sách thành phố.
Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục được ưu đãi thuế?
Trong bối cảnh hàng rào thuế quan đối với xe ôtô nguyên chiếc từng bước được xóa bỏ theo các hiệp định thương mại tự do, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế theo NĐ 57 cho giai đoạn sau năm 2022 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế .
Theo đó, để thống nhất với quy định kéo dài chương trình ưu đãi thuế, Bộ Tài chính đề xuất bỏ khoản 3 Điều 2 Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 4 NĐ 57 và bổ sung Khoản 2, Khoản 3 vào Điều 2 dự thảo nghị định về hiệu lực thi hành. Theo đó, DN đã đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế quy định tại Khoản 3 Điều 2 NĐ57 trước thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải đăng ký lại. Trường hợp thay đổi, bổ sung nhóm xe, số lượng mẫu xe đã đăng ký tham gia, DN phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan hải quan.
Để được hưởng chương trình ưu đãi thuế kéo dài, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra một số quy định cụ thể cho các DN sản xuất, lắp ráp ôtô. Theo đó, dự thảo trình Chính phủ sửa đổi quy định về khí thải tại NĐ 57 theo hướng cho phép các xe ôtô đã có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn và cấp trước 1/1/2022 vẫn được tham gia vào chương trình ưu đãi thuế.
Hơn 16.000 chủ nhà trọ ở Hà Nội cam kết thu tiền điện đúng giá
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết tính đến hết ngày 30/6, có 16.358 chủ nhà trọ đã ký cam kết thu tiền điện của người thuê nhà đúng giá quy định.
Trong đó, 2.334 hộ được áp định mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang và 14.024 hộ được áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thứ 3.
Để bảo đảm các đối tượng là sinh viên, công nhân, người lao động thuê trọ được hưởng chính sách giá điện của nhà nước, EVNHANOI đã hướng dẫn các chủ trọ lập sổ ghi chép, lưu thông tin sản lượng điện tiêu thụ, tiền điện phải trả của từng phòng trọ, ký xác nhận trả tiền của người thuê trọ mỗi tháng.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện các chủ nhà trọ có hành vi thu tiền điện của người thuê trọ cao hơn giá quy định, báo cáo đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Thu ngân sách vẫn cao kỷ lục bất chấp dịch bệnh
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, số thu ngân sách Nhà nước đã đạt 781.000 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu so với cùng kỳ năm 2019 (chưa bùng phát dịch Covid-19), số thu năm nay cao hơn 4,5%.
Theo thống kê, đây là mức thu ngân sách nửa năm cao nhất từ trước đến nay, đồng thời, 6 tháng vừa qua cũng là giai đoạn thu ngân sách đạt tiến độ cao nhất so với dự toán cả năm được Quốc hội giao.
Trong số thu kỳ này, thu nội địa đạt 56,3% dự toán và tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7% nhưng giảm 12,2%; trong khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán và tăng 37,5% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa đạt trên 50%, trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán và 54 địa phương có tăng trưởng thu. Đặc biệt, một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15%.
Ngân hàng đồng ý giảm thêm lãi suất từ tháng 7
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Tại Báo cáo toàn ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Bộ Xây dựng cho biết từ đầu năm, hiện tượng sốt đất nền cục bộ đã diễn ra tại một số khu vực trên cả nước.
Để ngăn chặn, xử lý hiện tượng “sốt đất” ảo, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình thị trường bất động sản.
“Đến nay, thị trường này đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10-20% so với thời kỳ sốt nóng. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp”, Bộ Xây dựng thông tin.
Trong khi đó, quý II vừa qua, giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng 2-7% do khan hiếm nguồn cung mới.
Giá nhà ở tại nhiều địa phương cũng tiếp tục tăng nhẹ, với mức tăng khoảng 3%. Một số địa phương có mức giá bình quân khá cao và tăng đều so với mặt bằng chung của cả nước là Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều nơi đã tăng 5-9% so với quý I.