Những ngày gần đây, trước thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thì đất nền Đông Anh một lần nữa lại “dậy sóng”.
Khảo sát qua môi giới BĐS khu vực xã Xuân Canh, huyện Đông Anh - nơi dự kiến sẽ được định hướng xây dựng các khu đô thị mới, được biết chỉ sau một tuần giá đất đã tăng cấp đôi.
Đất nền khu vực ven sông Hồng (huyện Đông Anh) "nhảy giá" từng ngày
Theo lời của môi giới tên Q., được biết đất Đông Anh luôn có giá và được nhà đầu tư săn đón bởi nhiều thông tin tích cực như quy hoạch lên quận, ăn theo dự án của nhiều chủ đầu tư nổi tiếng, thế nhưng đến thời điểm này, khi có thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, thanh khoản mới thực sự có và giá đất cũng tăng nhảy vọt.
“Nếu như tuần trước ở các khu vực ven sông xã Xuân Canh giá chỉ dao động tầm 17-18 triệu đồng/m2 thì giờ đã lên đến 28 -30 triệu đồng/m2. Người mua kéo về từng đoàn, đông nhất là vào hai ngày cuối tuần” – một môi giới tên Q. nói.
Còn nhớ, đầu năm 2021, tại xã An Khương, Tân Lợi huyện Hớn Quản (Bình Phước), trước tin đồn quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních, ngay lập tức giá BĐS nơi đây sôi động và “nhảy giá” theo từng ngày.
Người dân xã An Khương cho biết, có rất nhiều người từ các nơi khác tập trung ở đây mặc dù khu vực này cách sân bay trên dưới 10km. Trong những ngày sốt, giá đất tăng lên theo từng giờ, một mảnh đất được cho cách vị trí cổng sân bay 1km đã được đẩy từ 200 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng. Chỉ hôm trước, hôm sau, giá đất đã tăng gấp 5 lần.
Một cò đất tên H. ở địa phương cho biết, anh mới bán một lô đất 200m2 với giá 1,1 tỷ đồng, ngay lập tức hôm sau lên đến 1,9 tỷ đồng. Có nghĩa,chỉ sau một đêm người mua có thể bỏ túi gần tỷ đồng. Những giao dịch diễn ra chớp nhoáng bằng hình thức đặt cọc rồi sang tay liên tục. Nhiều người bỏ hàng chục tỷ đồng để thâu tóm các khu đất lớn rồi nhanh chóng cho máy móc san ủi để phân thành nhiều lô nhỏ hơn.
Trước tin đồn "quy hoạch", nhiều lô đất tăng giá cả tỷ đồng chỉ sau một đêm
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các cơn sốt đất thời gian gần đây chủ yếu liên quan đến quy hoạch sân bay, các đại đô thị lớn sẽ được triển khai hoặc do “cò” thổi giá.
Chia sẻ với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính của tình trạng "sốt đất" ảo lặp đi lặp lại.
Đó là khi có đầu tư phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm, có thể làm đổi đời người có đất.
Những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông.
Trong khi đó, giới đầu cơ thành thạo hơn kích động lòng tham để kiếm lời từ tham gia cò mồi, dẫn mối, "lướt sóng" giai đoạn đầu.
Và nguyên nhân cuối cùng là do chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ mới đưa ra khuyến cáo bị động chứ chưa có cách gì để khắc phục tình trạng tiêu cực này.
Chính vì vậy, theo ông Võ nhà đầu tư nên hết sức thận trọng khi xuống tiền vào thời điểm này.
“Việc tạo sốt đất ảo về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm cò mồi, còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản. Trường hợp ý tưởng quy hoạch bị bãi bỏ, "sóng" bị tắt, giá đất trở về như xưa, người mua mất tiền. Đầu tư đất đai kiểu này thành đầu tư mạo hiểm, độ rủi ro rất cao”, ông Võ nhấn mạnh.
Tương tự, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cũng cho rằng, người dân không nên chạy theo các cơn sốt đất kẻo tiền mất, tật mang.
Theo ông Khương, nhiều khu vực sốt đất do có thông tin về quy hoạch sân bay, nhưng thực tế thông tin này thực sự có sức nặng để “đẩy” giá đất lên cao như vậy không? Đây chỉ mới dừng lại ở mức chủ trương đang đợi xem xét và phê duyệt, hơn nữa việc giá thị trường bất động sản tại khu vực đó có tăng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.