Bộ KH & ĐT cho biết số nợ quá hạn của Vietnam Airlines tính đến tháng 6/2021 đã lên tới 6.240 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, số nợ quá hạn là 6.640 tỷ, chưa kể các khoản đã được giãn thời hạn trả.
Bộ KH & ĐT nhận định Tổng công ty này "đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản".
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, các thành viên Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát của Vietnam Airlines đã nhận mức lương và thù lao tổng cộng 6,5 tỷ đồng trong năm 2020, giảm 50% so với năm 2019. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Trong năm 2020, thu nhập của nhân viên của Vietnam Airlines cũng giảm sút. Đại hội cổ đông tháng 8/2020 của Vietnam Airlines thông qua phương án thu nhập bình quân của đội ngũ phi công năm ngoái là 77 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 52% so với thực hiện năm 2019.
Thu nhập bình quân của tiếp viên và lao động mặt đất lần lượt là 13,8 và 14 triệu đồng/tháng, chưa bằng một nửa năm 2019. Tổng số lao động của Vietnam Airlines thời điểm 31/12/2020 cũng giảm khoảng 1.500 người so với ngày đầu năm.
Vietnam Airlines vô cùng khó khăn
Tại ngày 31/3/2021, Vietnam Airlines có nợ ngắn hạn hơn 37.000 tỷ đồng.
Đứng đầu trong các khoản nợ ngắn hạn là nợ phải trả người bán, tiếp đó là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Bên cạnh đó là các khoản nợ ngắn hạn người lao động và nhà nước.
Cụ thể, nợ phải trả người bán là hơn 16.200 tỷ. Đây là khoản mà Vietnam Airlines mua hàng của nhà cung cấp nhưng chưa thanh toán tiền.
Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trị giá gần 12.700 tỷ. Báo cáo tài chính quý I không nêu rõ các chủ nợ của Vietnam Airlines là ai. Tuy nhiên, theo báo cáo hợp nhất năm 2020, các tổ chức đang cho Vietnam Airlines vay nhiều nhất tại ngày 31/12 là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Tập đoàn ING, Citibank, JP Morgan Chase, HSBC,…
Tại ngày 31/3 năm nay, Vietnam Airlines nợ ngắn hạn người lao động 711 tỷ đồng. Nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 293 tỷ.
Trong trường hợp một doanh nghiệp phá sản, theo Khoản 1, Điều 54 của Luật Phá sản năm 2014, khoản nợ lương, trợ cấp của người lao động có thứ tự ưu tiên chi trả tương đối cao khi doanh nghiệp phá sản, chỉ đứng sau chi phí phá sản.
Các khoản nợ không có tài sản bảo đảm như các khoản cho vay tín chấp, cho mua chịu, ... hoặc khoản vay có tài sản bảo đảm nhưng giá trị không đủ để thanh toán nợ sẽ nằm ở cuối danh sách chi trả và có nguy cơ mất vốn tương đối lớn.