Dân Việt

Nữ kiến trúc sư nghỉ việc mở xưởng bánh ngọt, mỏi tay thu lãi “khủng” mỗi tháng

Thanh Thúy 19/09/2021 05:09 GMT+7
Thủy bắt đầu ngày làm việc của mình lúc 7 giờ sáng và kết thúc khi trời đã tối muộn. Có nhiều đêm, cô phải loay hoay một mình ở xưởng để tìm ra công thức hoàn hảo nhất cho chiếc bánh mà cô coi như “đứa con tinh thần” sắp ra lò. Thủy bảo, cô đã dành nhiều năm để học và làm nghề kiến trúc, nhưng lại chỉ thấy mình thực sự hạnh phúc khi làm bánh.

Nguyễn Bích Thủy (35 tuổi, Hà Nội) được cộng đồng “yêu bếp” biết đến với cái tên Mẹ Nghé. 10 năm trước, cô là một bà nội trợ mê làm bánh, sau đó là một giáo viên dạy làm bánh và bây giờ là một bà chủ kinh doanh bánh ngọt. 

Hơn một thập kỷ tự mày mò với hàng trăm công thức làm bánh; đạt được một số thành công trong việc dạy học và kinh doanh, Mẹ Nghé dần trở thành hình tượng yêu thích của nhiều bà nội trợ mê đồ “handmade”. Những sản phẩm của cô luôn mang hồn cốt của một chiếc bánh truyền thống nhưng lại được thổi vào đó sự sáng tạo với diện mạo vô cùng khác biệt. 

Từ bỏ công việc kiến trúc sư, rời xa những công trình để đến với nghề làm bánh từ con số 0, hành trình của Thủy đã đi… không trải nhiều hoa hồng.

Khởi nghiệp “ngẫu nhiên” với lò nướng 2 triệu đồng và hàng nghìn mẻ bánh thất bại

Nguyễn Bích Thủy xuất thân là sinh viên chuyên ngành Thiết kế kiến trúc – Quy hoạch đô thị trường Đại học Xây dựng. Năm 2011, sau khi ra trường, Thủy về làm tại một công ty xây dựng ở Hà Nội đồng thời nhận thêm các công trình thiết kế nhà dân. Thời điểm đó, nhờ làm việc chăm chỉ, Thủy có mức thu nhập ổn định: Mỗi công trình thiết kế nhà dân từ 30 – 70 triệu đồng/căn cùng với lương thưởng ở công ty…

img

Quyết định nghỉ việc khá khó khăn và mạo hiểm với Thủy thời điểm đó, song khi đứng giữa hai lựa chọn, cô quyết tâm bắt đầu với những điều mới.

Đến năm 2013, Thủy lấy chồng và có em bé đầu lòng. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô khi từ một nữ kiến trúc sư trở thành “mẹ bỉm” toàn thời gian. Công việc kiến trúc sư đòi hỏi làm việc liên tục từ 18 – 20 tiếng/ngày không còn phù hợp với người phụ nữ của gia đình, “vả lại khi đã có con rồi, bạn sẽ chỉ muốn dành thời gian cho con với những góc bếp núc đơn thuần nhưng lại nhiều niềm vui” – Thủy kể. Một năm sau đó, cô nghỉ việc.

Cơ duyên đến với việc làm bánh bắt đầu khi cô có nhiều thời gian vụn vặt trong ngày. Cô được chồng “đầu tư” cho chiếc lò nướng giá 1.900.000 đồng và một chiếc cân giá 100.000 đồng, “khởi nghiệp” đơn giản bằng niềm vui làm bánh ngọt.

“Ban đầu chỉ làm bánh cho vui trong thời gian ở nhà chăm con và nhân tiện đúng dịp Trung thu nên tôi làm tặng mọi người. Không ngờ sau khi đăng ảnh lên facebook lại có người đặt hàng ngay. Vậy là ngay trong mẻ bánh đầu tiên tôi đã kiếm được 5 triệu đồng/tháng” – Nguyễn Thủy vui vẻ nhớ lại.

Bản thân Thủy nhận mình là người thích những thứ mang hơi hướng cổ điển, bởi vậy, bánh Trung thu cuốn hút cô một cách đặc biệt. Bánh Trung thu là loại bánh mang nhiều sắc thái: vừa mộc mạc, cổ truyền lại vừa sang trọng, hiện đại… cũng chính bởi đặc tính này, những chiếc bánh kích thích người ưa sáng tạo càng lúc càng muốn khám phá hơn nữa. 

img

Thời gian trang trí hoàn thiện một chiếc bánh trung bình từ 1 – 4 tiếng. Thậm chí có những chiếc bánh mất từ 1 – 2 ngày.

Vì tay ngang theo nghề, và trong tay không có gì nhiều ngoài chiếc lò nướng gia đình và vài dụng cụ đơn giản, Mẹ Nghé tận dụng tối đa thời gian rảnh và tự lên mạng học những công thức đầu tiên, cơ bản nhất.

Thành công nho nhỏ từ mẻ bánh Trung thu đầu tiên đã cho cô thêm động lực để đi tiếp, nhưng càng học cô càng nhận ra việc làm bánh không đơn giản như mình từng nghĩ. Thủy cứ liên tục thử nghiệm rồi thất bại. Đến giờ, để có được những chiếc bánh hoàn thiện theo đúng kỳ vọng của bản thân, Thủy đã phải đánh đổi không biết bao nhiêu nguyên liệu bị bỏ đi.

“Có giai đoạn mình suốt ngày ở trong bếp với bột, đường, lò nướng… mình làm mải miết trong nhiều giờ đồng hồ, thậm chí còn gửi cả chồng con về quê để chuyên tâm làm bánh. Thực ra so với thời gian còn làm kiến trúc, lượng công việc không bớt đi nhưng khi làm bánh, mình luôn cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc” – Thủy chia sẻ.

“Bùng nổ” doanh thu, thu lãi hàng trăm triệu mỗi tháng

Từ lò bánh gia đình, Thủy mở một xưởng bánh nhỏ để bán online. Thời gian đầu chuyển hướng từ “làm cho vui” sang kinh doanh thu lãi, một mình Mẹ Nghé phải đảm đương nhiều vị trí: từ “đầu bếp” làm bánh, kế toán, đến nhân viên chốt đơn, tư vấn khách, nhân viên giao hàng… Về sau, khi số lượng đơn hàng tăng, công việc kinh doanh dần ổn định, Thủy thuê thêm hai người phụ giúp nhưng vẫn chịu trách nhiệm chính trong khâu tạo hình.

Thủy tập trung toàn bộ năng lượng và sự sáng tạo cho bánh Trung thu trước khi làm thêm vài loại bánh khác. Những chiếc bánh Trung thu mang hồn cốt truyền thống nhưng được thổi một làn gió mới từ nguyên liệu đến “giao diện”. 

img

Sản phẩm của Thủy khi đến tay khách hàng lúc này không đơn thuần chỉ là chiếc bánh nướng màu nâu cánh gián hay bánh dẻo trắng muốt mịn màng mà còn là những mảng màu sinh động cùng những hoa văn trang trí cầu kỳ, độc lạ.

img

Những chiếc bánh có gam màu trầm mặc, cổ điển chắc cũng bởi sở thích cá nhân người làm nhưng phần nhiều nó cũng hợp với Trung thu bởi sự giản dị, ấm cúng và mộc mạc vô cùng. 

Sau 10 năm nghiên cứu bánh Trung Thu, Thủy cho biết loại bánh này vừa phù hợp với người mới vào nghề, nhưng cũng là “vùng đất” tuyệt vời để phô diễn diễn kỹ thuật tạo hình, tạo ra những bức tranh có tổng thể hài hòa với đường nét chính phụ chỉn chu, cẩn thận. Đây cũng là dấu ấn thương hiệu của bánh Trung thu Mẹ Nghé.

Mỗi chiếc bánh Trung thu handmade Thủy làm có mức giá thay đổi theo từng năm và từng mẫu mã, trung bình từ 150.000 – 200.000 đồng/chiếc 150g; từ 600.000 – 1 triệu đồng/set bánh 2 – 4 chiếc. 

Việc kinh doanh online phát triển tốt và càng bùng nổ hơn vào năm 2018 khi có sự tham gia của nhiều đối tác bên ngoài. Lúc này Thủy không còn là một “mẹ bỉm” làm bánh mà là một người kinh doanh thực thụ với quy mô mở rộng và độ phủ sóng khắp các diễn đàn.

Cô đầu tư hơn 200 triệu cho hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ việc làm bánh bao gồm: lò nướng 45 triệu; máy sên nhân 32 triệu; máy nhồi 20 triệu; hơn 10 khuôn giá 1.200.000/khuôn…

img

Ngoài ra, những dòng bánh sự kiện như bánh sinh nhật, hội nghị có giá từ 1 - 3 triệu đồng/chiếc. Trong ảnh là chiếc bánh kem trị giá 5 triệu đồng.

img

Mẫu bánh Trung thu mới nhất, giá thành 950.000 đồng/set 4 chiếc.

Thời điểm này, ngoài nhận hàng nghìn đơn hàng online trong một tháng vụ Trung thu, Thủy còn đảm đương thêm công việc đào tạo học viên. Số lượng đơn hàng tăng lên song song với số lượng học viên đăng ký học: mỗi tuần cô dạy 3 lớp, tổng số học viên đến giờ lên tới hơn 10.000 người.

“Để đáp ứng yêu cầu của công việc, tôi làm việc một tuần trọn vẹn 7 ngày, mỗi ngày từ 12 – 15 tiếng bao gồm cả việc dạy học, tính toán sổ sách, doanh thu, đơn hàng và cả nghiên cứu, sáng tạo những mẫu bánh mới” – Thủy nhớ lại.

Kết quả cho những nỗ lực này là doanh thu tăng lên đột phá. Chỉ trong khoảng 4 tháng, Thủy mang về lợi nhuận hàng tỉ đồng cho đối tác, bản thân cô cũng nhận mức thu nhập từ 30 đến 100 triệu đồng/tháng.

Nhưng, niềm vui với việc làm bánh không còn nguyên vẹn nữa khi cùng lúc Thủy phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm. Áp lực đơn hàng, doanh số, đối tác… biến nguồn thu nhập “khủng” trở thành khủng hoảng tinh thần trầm trọng vào năm 2019.

“Mọi thứ đến quá nhanh khiến mình bị choáng ngợp. Trước đó khi làm quy mô nhỏ, mình không cần quá nhiều kiến thức về kinh doanh, quản lý nhân sự… vẫn có thể duy trì tốt mọi thứ, nhưng khi mở xưởng lớn mọi việc lại đi theo hướng rất khác. Đó là một nước cờ quá vội vàng của mình” – Thủy chia sẻ.

Nhiều đơn hàng bị từ chối do nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bản thân là người làm sáng tạo nhưng chính Thủy cũng không còn tìm thấy niềm vui trong công việc này. Cộng sự và đối tác đều muốn dừng lại kéo theo chi phí tiền thuê nhà tăng lên… tất cả đưa cô đứng giữa hai lựa chọn: đi tiếp hay dừng lại.

img

Thanh công quá nhanh năm 2018 khiến Thủy rơi vào trạng thái khủng hoảng buộc phải đứng trước lựa chọn đi tiếp hoặc dừng lại.

Mất khoảng 6 tháng Thủy coi đó là thời gian phục hồi, tái tạo năng lượng cho chính bản thân mình. Cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, cô trả nhà thuê, quay lại với căn bếp gia đình nơi cô đã bắt đầu khởi nghiệp. Thủy vẫn làm bánh và nghiên cứu về các loại bánh mới song lúc này cô không còn đặt nặng vấn đề doanh thu. 

Ví dụ mỗi tháng, Thủy tự đề ra mục tiêu sẽ bán được bao nhiêu cái bánh, nếu đã đạt số lượng cô sẽ dừng lại. Thời gian còn lại trong tháng, cô dành thời gian cho gia đình và tự “nâng cấp” bản thân bằng việc học thêm kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và nhiều kỹ năng mềm khác.

Hiện tại, Thủy vẫn duy trì bán bánh online, ngoài bánh Trung Thu, Mẹ Nghé nghiên cứu thêm một số loại bánh mới như bánh kem nghệ thuật; bánh ngọt; bánh mì… Nhân sự bây giờ chỉ có mình cô và một xưởng bánh nho nhỏ ngay tại nhà, nhưng số lượng khách hàng thì không hề giảm.

Vụ Trung thu năm nay, cô phải từ chối nhiều đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và để bản thân tránh rơi vào tình trạng quá tải như vấp ngã cô từng trải qua. “Mọi thứ đang dừng lại ở mức vừa đủ và tôi luôn vui vì có thu nhập rất ổn định trong mùa dịch. Thời gian này sẽ làm bước đệm vững chắc giúp tôi có những bước tiến xa hơn trong công việc này, nhưng vẫn không để bản thân quên mất cảm giác hạnh phúc khi được làm bánh” – Nguyễn Thủy vui vẻ chia sẻ.