Cảnh giới cho bạn đào vàng dưới hầm trên đảo Lombok (ảnh: Al Jazeera)
“Sáu người bạn của tôi vừa xuống hầm và nhiệm vụ của tôi là cảnh giới. Nếu họ cần thêm nước uống, đồ ăn hoặc bao tải để đựng đá, tôi ở đây để cung cấp”, Sukma – một người dân trên đảo Lombok – nói.
“Chỉ cần nhìn thấy một ánh vàng lóe lên cũng là điều đáng giá. Nhưng nếu mắc sai lầm, căn hầm có thể sập bất cứ lúc nào. Đó là điều chúng tôi phải chấp nhận để kếm sống”, Sukma kể.
Nhiều người dân trong các ngôi làng trên đảo Lombok – nơi ngọn núi lửa Rinjani vẫn còn hoạt động – nói với Al Jazeera rằng hoạt động đào trộm vàng đang dần “hồi sinh” trong dịch Covid-19, bất chấp lệnh cấm nghiêm ngặt của chính quyền.
“Tôi không có việc gì khác để làm ngoài đào trộm vàng”, Sukma nói.
Hầu hết các ngôi nhà trên đảo Lombok đều chứa dụng cụ, máy móc thô sơ phục vụ cho việc đào vàng, theo ghi nhận của Al Jazeera. Người dân ở đây thường dùng thủy ngân – kim loại rất độc – để đãi vàng.
“Chúng tôi hiểu sự nguy hiểm của thủy ngân, nhưng giá của nó rất rẻ. Tìm vàng là cách duy nhất để chúng tôi đổi đời”, Muhammad Yusuf, 24 tuổi – thợ đào vàng 8 năm trên đảo Lombok – nói.
Cùng với sự “hồi sinh” của hoạt động khai thác vàng, ngày càng có nhiều trẻ em trên đảo Lombok mắc dị tật bẩm sinh không rõ nguyên nhân. Một số lời đồn thổi nói rằng các em là nạn nhân của số vàng “bị nguyền rủa” trên đảo. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng di truyền từ cha mẹ bị nhiễm độc thủy ngân. Đã có nhiều người dân trên đảo Lombok chết do nhiễm độc thủy ngân hoặc bị sập hầm khi khai thác vàng.
Một em bé bị khuyết tật mắt trên đảo Lombok (ảnh: Al Jazeera)
Trong một ngôi làng nhỏ ở Lombok, cậu bé Zaim, 5 tuổi không thể đi hoặc nói chuyện. Đôi mắt nâu của em bị phủ bởi 2 hàng lông mi dài bất thường.
“Ở bệnh viện, họ nói rằng cháu bị mắc chứng bệnh liên quan đến thần kinh. Tôi muốn biết điều gì đã khiến con mình trở nên như vậy”, Suparni – mẹ của Zaim – nói.
Cậu bé Zaim có bố là thợ đào vàng – người thường xuyên tiếp xúc với thủy ngân.
Một số nhà nghiên cứu của tổ chức bảo vệ môi trường Nexus3 Foundation (Indonesia) cho rằng, Zaim cùng nhiều em bé khác trên đảo Lombok bị ảnh hưởng di truyền vì bố mẹ phơi nhiễm thủy ngân.
“Trên đảo này có một số trẻ em sinh ra thiếu ngón tay, sứt môi, không có hậu môn… Theo WHO, sản phụ chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ thủy cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi”, Yune Eribowo – chuyên gia thuộc Nexus3 Foundation – nói.
“Có nhiều thợ đào vàng trộm ở Lombok. Họ giấu thủy ngân trong nhà và sử dụng trước mặt con cái. Nhìn quanh hòn đảo này mà xem, chỉ còn vài ngôi nhà bên trong không có dụng cụ đào vàng hay đãi vàng. Từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người đã gặp khó khăn về tài chính”, chuyên gia Yune Eribowo nói thêm.
Nhiều trẻ em bị mắc dị tật bẩm sinh ở đảo Lombok, nghi do bố mẹ bị nhiễm độc thủy ngân (ảnh: Al Jazeera)
Theo chuyên gia Yune Eribowo, rất khó để xác định số trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh ở Lombok. Hệ thống y tế trên đảo này kém phát triển và chỉ có một số ít phụ huynh đưa con em bị khuyết tật đi khám ở bệnh viện.
Zulkieflimansyah – Thống đốc tỉnh Tây Nusa Tenggara (Indonesi) – khẳng định, việc đào vàng trên đảo Lombok bị nghiêm cấm và chính quyền đang có kế hoạch biến đảo này thành một “trung tâm du lịch toàn cầu”.
“Ở Lombok rất dễ đào được vàng. Nhưng khung cảnh trên đảo cũng rất đẹp. Chúng tôi từng phải lựa chọn giữa việc phát triển du lịch và khai thác vàng”, ông Zulkieflimansyah nói.