Tòa Cửu phẩm liên hoa (còn được gọi là Cối kinh) tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được đặt chính giữa trong Tích thiện am. Cối kinh mới được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 9) vào năm 2020
Cối kinh là tháp gỗ 8 mặt, cao 7,8m, xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, được đỡ bởi các chấn song con tiện - thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. Theo văn bia của chùa, tòa tháp được dựng từ năm 1739. Đây là một tháp quay mang ảnh hưởng Phật giáo Mật tông, có ý nghĩa như một cối kinh có chức năng "tích thiện”
Tám mặt của 9 tầng có gắn phù điêu mang biểu tượng của Phật giáo. Trên tất cả các mặt cột có 32 bức chạm khắc tỉ mỉ và công phu về nghệ thuật và hàm ý đạo giáo, thể hiện ý nghĩa mỗi tầng là một cảnh giới siêu thoát
Chín tầng Cối kinh tạc hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niết bàn
Trên tất cả các mặt của tòa cửu phẩm liên hoa có chạm các bức phù điêu về lịch sử Phật giáo như: Điểu thụ diễn pháp, Thất trùng bảo thụ, Hoa tạng thế giới, Sa bà thế giới, Thất bảo liên trì, Thích ca thuyết pháp, Kim địa lạc hoa, Tín thụ tác lễ, Thượng hữu lâu các...
Hình tượng Phật giáo trong các họa tiết điêu khắc được sơn son thếp vàng, đục chạm tinh xảo, sắp xếp hài hòa giữa người và vật
Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp là một trong ba tòa tháp ở Việt Nam, đều nằm trong địa bàn phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
Các bức chạm của tháp được thực hiện rất tinh xảo, đạt giá trị nghệ thuật rất cao, thể hiện óc thẩm mỹ và tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân thời xưa
Các bức chạm khắc hoa tàng thế giới, Sa bà thế giới ở tầng một
Trong thân tháp là trục quay, được cắm vững chắc vào bệ tháp
Theo quan niệm truyền thống, cứ quay một vòng tháp Cửu Phẩm Liên Hoa thì lời trì tụng sẽ được nhân lên thành 3.542.400 lần, để người niệm mau đạt tới chính quả
Sau gần 3 thế kỷ, tòa tháp độc đáo của chùa Bút Tháp vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, là một minh chứng cho sức sống của văn hóa Phật giáo Việt Nam