Dân Việt

Giá xăng cao nhất trong 7 năm: Doanh nghiệp vận tải lao đao, tính chuyện “giải nghệ”

Hồng Hương 02/11/2021 10:45 GMT+7
Giá xăng dầu tăng ở ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp tính chuyện bán xe, giải nghệ.

Nhiều tháng nay, các doanh nghiệp vận tải do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu gần như bằng 0. Trong thời gian một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp vận tải dù không hoạt động, nhưng hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng, tiền thuê nhà xưởng, kho bãi, tiền lương hỗ trợ nhân viên, lái xe, tiền bảo hiểm… Đặc biệt, khi nới giãn cách, một số phương tiện được hoạt động trở lại, nhà xe chưa kịp mừng thì giá xăng dầu liên tiếp đội giá. Hàng loạt doanh nghiệp vận tải hiện đang trong cảnh “thoi thóp”, đối diện hàng loạt khó khăn, thậm chí tính chuyện “giải nghệ”.

img

Giá xăng dầu tăng mạnh tại thời điểm này là cú sốc nặng nề đối với các doanh nghiệp vận tải

Ông Đỗ Văn Bằng, chủ hãng xe Sao Việt chia sẻ, doanh nghiệp có gần 100 xe chở khách, bao gồm xe chạy tuyến cố định liên tỉnh và chở khách theo hợp đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ là cầm chừng, nhất là từ tháng 5 đến nay, doanh nghiệp gần như dừng hoạt động, hiện chỉ còn 5 xe chạy túc tắc.

“Các hoạt động xã hội từng bước được phục hồi, nhưng tôi chưa kịp mừng thì xăng dầu liên tiếp tăng giá. Xăng dầu tăng giá, nhưng với doanh nghiệp vận tải như chúng tôi tăng cước lại là cả vấn đề bởi tăng cước phí thì hành khách giảm là chuyện dễ hiểu. Khó khăn sẽ càng khó khăn”… ông Bằng chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Công H., Giám đốc hãng taxi tại Hà Nội, cho rằng dịch bệnh đã làm cho các DN taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. "Giá xăng dầu tăng, khách đi xe ít khiến họ không có thu nhập, sẽ bỏ việc" - ông Hùng nói và cho rằng hiện vẫn đang trong thời kỳ dịch bệnh, DN chỉ được hoạt động 50% số lượng phương tiện, doanh thu chỉ đạt 15%-20% so với trước dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác. Giá xăng dầu tăng mạnh buộc DN phải điều chỉnh giá cước, nếu không sẽ phải bù lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ việc điều chỉnh giá cước cũng không dễ, do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Cùng với đó, việc DN phải tăng giá cước khiến lượng khách sẽ càng ít hơn.

Không chỉ với xe khách và taxi, các công ty xe vận tải cũng khốn đốn khi giá xăng tăng.

img

Nghỉ dịch thời gian dài, giờ thì giá xăng tăng liên tiếp khiến DN taxi lao đao

Có hơn 40 xe đầu kéo chuyên chạy chở hàng Nam - Bắc, ông Trần Văn Thành - tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu - cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp vận tải hàng hóa vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải.

"Khi xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, tỉ lệ này tăng lên khoảng 50% giá thành vận tải. Doanh nghiệp có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu nhưng tăng giá cước vận chuyển không phải là điều dễ dàng khi các hợp đồng đã ký, đối tác chần chừ chưa đồng ý là đơn vị vận chuyển cũng ngấm đòn" - ông Thành nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng giá xăng dầu tăng mạnh tại thời điểm này là cú sốc nặng nề đối với các doanh nghiệp vận tải bởi hầu hết các DN đều gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài. 

img

Do đối diện hàng loạt khó khăn, nhiều chủ xe tính tới chuyện bán xe "giải nghệ"

Chi phí đầu vào phát sinh ngày càng tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch (xét nghiệm, giãn cách...), trong khi không thể tăng giá cước nếu không muốn mất khách, chưa kể giá cước vận chuyển đã được ký kết trước đó. 

"Do vậy, khi giá xăng tăng mạnh và đột ngột, doanh nghiệp vận tải trở tay không kịp, ngày càng gặp nhiều khó khăn. Càng duy trì càng hy vọng lại càng lỗ, có lẽ tôi sẽ thanh lý xe và giải nghệ" – anh Thu – chủ một doanh nghiệp vận tải tuyến Lào Cai liên tỉnh than.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc HTX Vận tải Thăng Long, cho biết các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Thua lỗ do xe "trùm mền" thời gian dài vì dịch Covid-19, nay thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động lại vì chi phí xăng, dầu chiếm tới 35%-40% chi phí hoạt động.

"Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng" - ông Liên nói.

Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, trong khi giá xăng dầu là đầu vào cho các hoạt động kinh tế – xã hội. Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí ở nhiều lĩnh vực khác, tạo ra khó khăn lớn hơn trong quá trình phục hồi kinh tế.

Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải sẽ chịu tác động rất lớn khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay. Lĩnh vực này đã và đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, giá xăng dầu lại tăng như vậy khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải gặp khó khăn kép.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, không chỉ hoạt động vận tải mà hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu. "Hiện có 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá là quỹ bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý thì sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu" - ông phân tích.