Anh Biện Văn Mão sinh năm 1986 tại Đô Lương – Nghệ An từng tốt nghiệp cử nhân Công nghệ thông tin Đại học Đà Nẵng năm 2011. Sau khi ra trường, anh đã có một thời gian làm kỹ thuật và kinh doanh cho một công ty về máy tính tại TP Vinh trong khoảng 3 năm.
Nhờ quãng thời gian đi làm này anh đã tích góp được số vốn đáng kể để sau đó cùng các anh em trong gia đình thành lập công ty cổ phần chuyên về thực phẩm. Anh Mão cho biết, năm 2016 cùng các anh em trong gia đình bắt đầu xây dựng phân xưởng sản xuất bánh đa, một loại đặc sản của địa phương với tên Vũ Phong.
8X quê Nghệ An này cho biết lựa chọn sản phẩm là bánh đa để khởi nghiệp bởi đây là loại bánh đã được mẹ và bà ngoại đã làm trong suốt 30 năm qua tại xã Minh Sơn huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An.
Anh Biện Văn Mão quyết định nghỉ việc ở TP để về quê khởi nghiệp
Anh cũng cho biết nghề làm bánh đa ở huyện Đô Lương (Nghệ An) đã tồn tại lâu đời. Người làm bánh đa lâu năm cũng không nhớ nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy ông bà, bố mẹ làm những chiếc bánh đa vừng thơm ngon. Để có sản phẩm bánh đa ngon, người dân Đô Lương thường sử dụng gạo có độ dẻo ít (gạo thường được dùng là Khang Dân 18) để tráng bánh.
Tuy nhiên, làm nghề này khá vất vả bởi với những gia đình làm bánh đa thủ công thì phải thức khuya, dậy sớm và chỉ làm được khi trời nắng. Nắng càng to làm càng vất vả. Ngoài yếu tố thời tiết, nghề này còn cần kĩ thuật từ khâu chọn gạo, xay bột, thêm gia vị, tráng, phơi.
Trước kia, nếu gặp trời mưa, bánh đa không phơi được, để bánh không bị hỏng, phải hong bằng hơi nóng từ than và bánh sẽ không bảo đảm chất lượng, không thơm ngon như khi phơi dưới nắng.
Vì thế, với số vốn ban đầu 500 triệu đồng, anh cùng các anh em trong gia đình đã thuê 300 mét vuông đất để xây dựng nhà xưởng và đầu tư máy tráng bánh, bên cạnh đó là một số máy móc khác phục vụ cho quá trình sản xuất. Để đảm bảo chất lượng bánh tráng ra, anh cũng đầu tư hệ thống sấy khô.
Theo 8X Nghệ An, với nghề làm bánh đa nguyên liệu chính và quan trọng nhất là gạo. Chất lượng gạo sẽ quyết định độ thơm ngon, dẻo của bánh. Sau khi vo, gạo sẽ được ngâm 6-7 tiếng ngậm đủ nước, đạt đến độ căng mọng thì cho vào xay, nếu ngâm quá giờ, gạo sẽ bị chua, cả mẻ bánh coi như hỏng. Cứ 10 kg gạo thì trộn 3kg vừng, các loại gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà nghề. Một yêu cầu cũng cần đến kĩ thuật là độ đặc, loãng của bột lúc tráng bánh. Nếu bột đặc quá thì khó tráng, bột loãng bánh sẽ mỏng.
Chàng trai 8X cho biết nghề làm bánh đa rất vất vả trong những ngày nắng to
Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực hiện kế hoạch của mình, chàng trai 8X gặp khá nhiều khó khăn bởi việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất thủ công sang mô hình bán thủ công nên bản thân còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm cũng như sự linh hoạt trong việc vận hành phân xưởng sản xuất.
Thời gian đầu, mỗi ngày xưởng của anh chỉ sản xuất được khoảng 2.000 bánh đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ bánh đạt yêu cầu chỉ chiếm 50%, do đó có một lượng lớn bánh tráng ra bị hỏng và phải loại bỏ.
Trước những thách thức phải đối mặt, anh đã dành thêm nhiều thời gian để đọc tài liệu, nghiên cứu về cách làm và tráng bánh để đạt hiệu quả. Sau đó vào giữa năm 2017, anh đã cùng anh em thiết lập lại quy trình sản xuất, trong đó tối ưu hóa các khâu trong việc vận hành phân xưởng, cùng với đội ngũ công nhân đã có kinh nghiệm hơn. Những mẻ bánh đã hoàn toàn được cải thiện, về phần ngoại quan cũng được trau chuốt đóng gói đẹp mắt thể hiện được món quà từ quê hương, lượng sản xuất trong ngày có thể lên đến 10 ngàn cái.
Chia sẻ những nhọc nhằn trong nghề này, anh Mão cho biết: “Trời nắng to phải canh bánh thường xuyên bởi quá nắng chiếc bánh sẽ cứng và cong, nhìn không đẹp mắt và khó nướng. Cứ dăm ba phút lại chạy ra trở bánh một lượt, đây là nghề chính mang lại thu nhập nuôi sống cho nhiều gia đình tại địa phương. Càng ngày, bánh đa Đô Lương càng khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường nên nhiều khách hàng tìm về lắm. Nghề này tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản tí nào”.
Nhờ hệ thống phân phối khắp 3 miền, doanh thu của chàng trai 8X lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng
Cùng với đó, chàng trai 8X cũng cho biết: “Để khẳng định được thương hiệu thì mình cần phải biết cố gắng. Nói chung làm gì cũng cần cái tâm đặt vào đó, tuy nổi tiếng nhưng mình cần chu đáo, tỉ mỉ”.
Vận dụng những kiến thức có được từ quãng thời gian đi làm kinh doanh máy tính, anh cũng đã xây dựng được hệ thống phân phối dày đặc ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Nha Trang, Đà Nẵng,…
Anh Mão cho biết thêm: “Trước đây người dân trong làng tráng bánh chỉ bằng bột gạo nước, trộn với vừng đen. Nay để tăng thêm vị thơm ngon, chúng tôi cho thêm gừng, hạt tiêu, tỏi giã nhỏ, trộn vào bột gạo để tráng. Sản phẩm của làng nghề nổi tiếng thơm ngon, nên không chỉ người tiêu dùng trong nước mà Việt kiều ở nước ngoài như: Đức, Campuchia, Lào, Singapore, Hàn Quốc, Nga… ưa thích, nên tiêu thụ rất tốt”.
Chàng trai 8X Nghệ An chia sẻ trước khi bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19, xưởng bánh đa của anh có doanh thu từ 300 triệu đến 500 triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 15 lao động phổ thông với mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng. Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của xưởng bị ảnh hưởng đáng kể và doanh thu hiện tại dao động từ 100 đến 200 triệu đồng.
Sau gần 5 năm nối nghiệp nghề truyền thống của gia đình, chàng trai 8X cho biết truyền thống làm bánh đa không chỉ góp phần phát triển văn hóa và truyền thống của cha ông để lại, mà còn giúp người dân ở nơi đây có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Đến nay, bánh đa Đô Lương trước chỉ được bán quanh địa phương, nhưng giờ đã được bán ra tất cả các tỉnh trên cả nước. Đây cũng là loại bánh được tượng trưng cho đặc sản Đô Lương.