Dân Việt

Hơn 30 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại vào ngày 22/2

Diệu Thu (tổng hợp) 21/02/2021 19:05 GMT+7
Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát, nhiều địa phương lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường từ ngày 22/2.

Các địa phương có quyết định cho học sinh quay lại trường kể từ ngày 22/2 gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương (học sinh THCS -THPT); Bình Thuận, Cà Mau, Hậu Giang, Đắk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Gia Lai, Lào Cai (trừ mầm non), Ninh Bình, Phú Thọ,  Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Thanh Hoá, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Giang (trừ huyện Xí Mần), Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang; Thái Bình.

img

Học sinh đi học trở lại. (Ảnh minh họa).

Trong đó, Thái Bình quyết định cho học lớp 9 THCS, lớp 12 THPT và học sinh các đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia khối 11 của trường THPT chuyên Thái Bình

Bà Rịa - Vũng Tàu: Những học sinh không có điều kiện học trực tuyến ở sẽ được hỗ trợ học trực tiếp trên lớp. Các em còn lại vẫn học online theo kế hoạch.

Học sinh phổ thông ở Ninh Bình đi học từ ngày 22/2, riêng trẻ mầm non tiếp tục nghỉ đến 3/1.

Học sinh, sinh viên Bắc Giang sẽ trở lại trường từ ngày mai. Riêng học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Nam bắt đầu học trực tiếp từ ngày 1/3.

Như vậy, đến nay đã có hơn 30 tỉnh/thành cho học sinh đi học trở lại từ ngày mai (22/1).

Các địa phương yêu cầu trường học phải thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế; Siết quy trình phòng dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên khi trở lại trường.

Trước đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp”.

Theo Bộ trưởng, mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước, vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng…

“Cần chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu.