Cụ thể, Sở Công Thương cho biết đã có 13 doanh nghiệp đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe buýt. Trong trường hợp cấp bách, thành phố sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này.
Các doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng xe ô tô, xe buýt sẽ triển khai chủ yếu tại các khu nhà trọ, khu đông dân cư để hạn chế người dân, công nhân phải ra ngoài đi chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm bán hàng lưu động bằng xe buýt, ô tô trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách. Cùng với hoạt động này, Sở Công Thương thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá sẽ phối hợp để kiểm tra.
Những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đầu tiên cho Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức đã lăn bánh từ ngày 26/7.
Ngoài cho phép các doanh nghiệp bán hàng bằng xe lưu động, hiện Hà Nội cũng cho phép các doanh nghiệp phối hợp cùng cơ quan quản lý triển khai các điểm bán hàng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Toàn thành phố hiện có 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động và 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ người dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.
Một số quận đã lập nhóm Zalo giữa nhân dân trên địa bàn với các đơn vị phân phối để mua bán hàng hóa thuận tiện, hạn chế đi lại. Khi có các khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đều xây dựng phương án cụ thể về cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân, bố trí các lực lượng phối hợp với đơn vị phân phối trên địa bàn để phục vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất.
Ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc siêu thị Aeon cho biết: siêu thị này đang triển khai 4 địa điểm bán hàng lưu động do quận Long Biên chỉ định và được quận hỗ trợ mặt bằng, nhà rạp, điện cùng các tình nguyện viên để cung cấp thực phẩm cho người dân.
Hiện siêu thị đã lên danh sách các mặt hàng thiết yếu như mỳ tôm, nước mắm, các loại rau củ, quả. Đặc biệt, một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống mà các cửa hàng nhỏ lẻ không có cũng được cung cấp tại các điểm bán lưu động.
Những chuyến xe lưu động góp phần cung cấp thực phẩm nhanh chóng, tiện lợi cho người dân một số khu vực tại Hà Nội.
Ngoài ra, để đảm bảo kết nối nguồn cung hàng hóa cho thành phố, giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối hoặc trường hợp chợ đầu mối tạm đóng cửa do dịch, UBND thành phố Hà Nội đã trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa.
Các khu vực này gồm Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên); Khu tái định cư xã Tiên Dược (Sóc Sơn); khu vực xã Dương Xá (Gia Lâm); Bến xe Yên Nghĩa, phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông); Trung tâm xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 489 Hoàng Quốc Việt (Bắc Từ Liêm).
Về lưu thông vận chuyển, thành phố đã chỉ đạo, xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa. Cụ thể, xe của các doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất, kinh doanh; xe của các đơn vị vận tải trên địa bàn (Tổng vận tải, Bưu điện thành phố, các đơn vị logistics, thương mại điện tử, taxi, xe huy động của các địa phương, Hội LHTN TP và Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình…).
Hiện tại, Hà Nội cũng đã cấp mã nhận diện luồng xanh cho 2.200 ôtô và trên 9.000 xe máy, 14.000 shipper để vận chuyển hàng hóa trong giai đoạn này.