Kết phiên giao dịch 21/9, VN-Index giảm 10,64 điểm (0,79%) còn 1.339,84 điểm, VN30-Index giảm 12,44 điểm (0,85%) còn 1.446,22 điểm, UPCoM-Index giảm 0,69 điểm (0,71%) còn 96,77 điểm.
VN-Index giảm 10,64 điểm (0,79%) còn 1.339,84 điểm
Sàn HOSE hôm nay có 275 mã giảm giá, áp đảo so với 136 mã tăng giá và 36 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, song có phần yếu dần sau 14h00. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 1,1 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 29.600 tỷ đồng
Nhóm bất động sản là lực cản lớn nhất của thị trường với mức ảnh hưởng giảm gần 4 điểm. Các cổ phiếu chỉnh sâu có bộ ba mã VHM, VIC, VRE và GVR. Tuy nhiên, với xu hướng phân hóa mạnh của thị trường chung, một số cổ phiếu địa ốc vẫn tăng trần như HDC, SCR, HDG, nhiều mã giữ được sắc xanh tới cuối phiên như ITA, HQC, FLC và DIG.
Kế đến, nhóm ngân hàng cũng là một trong hai tác nhân chính khiến thị trường giảm mạnh. Ngoại trừ VCB, OCB, EVF kết phiên trên ngưỡng tham chiếu, KLB giữ giá không đổi, 23 mã còn lại đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Bộ ba cổ phiếu họ Vin hôm nay tác động tiêu cực nhất lên thị trường.
Bộ ba cổ phiếu họ Vin hôm nay tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi góp phần lấy đi của VN-Index hơn 1 điểm. Chốt phiên VIC giảm 1.100 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,27%) về mốc 85.600 đồng/cổ phiếu. Với mức giảm này, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giảm mất hơn 2000 tỷ đồng chỉ trong hôm nay.
Ông lớn HPG hôm nay cũng giảm điểm theo dòng của thị trường. Chốt phiên HPG giảm 0,97% về mốc 50.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy hôm nay tỷ phú giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Trần Đình Long cũng mất 432 tỷ đồng.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hôm nay cũng mất 168 tỷ đồng vì sự sụt giảm của cổ phiếu VJC. Theo đó hôm nay VJC cũng giảm 0,56% giá trị.
Tài sản các tỷ phú sụt giảm mạnh trong hôm nay.
Theo nhiều chuyên gia, chính cuộc khủng hoảng nợ tại Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Nhiều nhận định cho rằng, hiệu ứng Evergrande chỉ là ngắn hạn, không mang tính toàn cầu, khác hoàn toàn với Lehman Brothers
Chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có ra tay giải cứu "ông lớn" này hay không song theo Shen Meng - Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co ở Bắc Kinh, Evergrande vẫn còn lượng tài sản khổng lồ để chi trả nợ và tập đoàn này cần gấp rút giảm tỉ lệ đòn bẩy.
Trong một động thái mới nhất để tháo gỡ khó khăn, Evergrande đã khởi động kế hoạch trả nợ bằng bất động sản. Đây là một trong 3 phương án thanh toán nợ quá hạn mà tập đoàn này đưa ra. Theo đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn nhận tiền mặt trả góp từ Evergrande hoặc nhận thanh toán một lần bằng các bất động sản của công ty.