Theo con số BHXH Việt Nam vừa công bố, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo BHXH Việt Nam, nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2016 - 2019, người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước.
Độ tuổi có số người nghỉ hưởng BHXH một lần nhiều nhất 26 - 29 tuổi. Tỷ lệ hưởng BHXH một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới.
Khó khăn do Covid-19, người dân cần tiền chi tiêu
Nguyên nhân của việc gia tăng số lượng người rút BHXH một lần được xác định là do đời sống chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, người lao động cần tiền chi tiêu.
Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Do đó, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần.
Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT giúp chăm sóc sức khỏe khi về già.