Dân Việt

Doanh nghiệp vận tải “đắp chiếu” 90% xe, không có đường lùi vì Covid-19

Hồng Cảnh 22/05/2021 13:25 GMT+7
Hơn 1 năm hứng chịu liên tiếp 4 “trận đánh úp” của Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải điêu đứng, lái xe và công nhân viên phải nghỉ việc hàng loạt, khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhìn hàng loạt xe nằm im trong bãi xe, anh Vũ Văn Cường (Sơn La) cho biết trước đây bên anh có 20 xe giường năm từ Sơn La đi Hà Nội và các tỉnh. Riêng tuyến Sơn La – Hà Nội trước đây có 10 chuyến/ngày nhưng hiện tại đến 90% số xe phải dừng hoạt động.

“Các chuyến đi liên tỉnh của bên tôi phải dừng hết. Trên 20 xe chỉ có 2 xe hoạt động, 1 xe ra và 1 xe vào. Nhân viên nghỉ hết, xe để không nhưng lãi ngân hàng vẫn phải trả. Khó khăn vô cùng”, ông Cường thở dài.

img

Hàng chục xe giường nằm cao cấp buộc phải nằm im ở bãi hàng tháng trời vì không có khách.

Theo ông Cường, nếu như đợt dịch đầu tiên vào tháng 3/2020 khiến ông bị sốc khi đơn vị đang hoạt động bình thường thì dịch ập đến khiến ông trở tay không kịp thì đợt dịch thứ 2, thứ 3 và thứ 4, ông và cán bộ công nhân viên đối diện với khó khăn một cách bình tĩnh hơn.

“Dịch liên tiếp ập đến, chúng tôi chưa có phương án gì khả thi hơn là việc dừng hoạt động, cắt chuyến, giảm chuyến đến 90%. Số xe khách còn chạy thì cũng chỉ có rất ít khách và đảm bảo công tác phòng dịch nghiêm ngặt. Khó khăn chồng chất nhưng tôi vẫn tin và chờ đợi dịch bệnh nhanh được kiểm soát để doanh nghiệp hồi sinh”, ông Cường nói.

img

Doanh nghiệp vận tải đã khó khăn nay càng khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự, anh Lê Văn Lý, Giám đốc Công ty TNHH Lý Thảo cho biết, bên anh có 9 xe hoạt động vận chuyển hành khách nhưng trải qua 3 đợt dịch vừa rồi, đến đợt dịch này phải bán đi 2 xe để bù lỗ.

“Nhà tôi có 7 xe nhưng giờ đắp chiếu hết, chỉ còn 1 xe hoạt động, vừa đi vừa về. Thế nhưng chuyến nào cũng phải bù lỗ. Như hôm nay, xe 44 chỗ nhưng lúc đi chỉ có 10 khách, chiều về được đúng 1 mâm (6 người)”, anh Lý chia sẻ.

Xe nằm đắp chiếu nhưng tiền vé cầu đường đóng theo tháng vẫn phải đóng đều đặn, tiền bến bãi 221.000 đồng/chuyến, chi phí vận hành, bảo trì, kiểm tra an toàn rồi tiền lương nhân viên, hao mòn xe… bao nhiêu khoản phí đội trên đầu khiến doanh nghiệp của anh Lý.

Sở hữu 17 đầu xe giường nằm cao cấp 38 chỗ phục vụ khách du lịch các tuyến Hà Nội – Sa Pa, Hà Nội – Huế - Hội An – Đà Nẵng và ngược lại, anh Khúc Ngọc Duy, Quản lý và Điều hành Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Niềm Vui cho biết, hiện tại bên anh chỉ hoạt động túc tắc 2 xe 35 chỗ, các xe còn lại nằm ở bãi hết.

Theo anh Duy, trước đây, dịch vụ vận tải bên ông phục vụ 80% là khách nước ngoài nhưng từ đầu năm 2020 đến nay hầu như không có khách. Công ty chuyển hướng, dồn lực phục vụ khách nội địa thì dịch bệnh hết đợt này đến đợt khác ập đến.

img

Không có nguồn thu nào nhưng các doanh nghiệp vận tải cũng không có đường lùi, đành "đắp chiếu" hàng loạt xe ngoài bãi.

“Văn phòng vẫn mở, tiền nhà, tiền thuê văn phòng vẫn phải nộp đúng hạn, không được giảm, xăng dầu thì ngày càng tăng giá mà xe thì dừng hoạt động hết. Không có nguồn thu nào nhưng cũng không còn đường lùi. Lùi bây giờ chỉ có bán xe thôi. Khó khăn lắm”, anh Duy cho hay.

Trong khi đó, theo anh Duy, đợt dịch Covid-19 này lại ảnh hưởng nặng nề nhất, không biết khi nào mới được kiểm soát vì biến chủng mới lây lan nhanh hơn, dịch cũng xuất hiện ở nhiều tỉnh khiến doanh nghiệp vận tải khó khăn ngày càng lớn.

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Nhiều đơn vị phải đàm phán với ngân hàng để giãn nợ, phải tạm dừng hoạt động kinh doanh, cắt giảm nhân sự, thắt chặt chi tiêu để cầm cự trong đại dịch.