Dân Việt

Từ lạc hậu và bị bắt nạt, Nhật Bản trỗi dậy đánh bại Nga, Trung Quốc ra sao?

Nguyễn Thái - Tổng hợp 23/10/2021 00:25 GMT+7
Sự kiện “Hắc thuyền” đánh dấu cú chuyển mình đáng chú ý nhất trong lịch sử Nhật Bản - từ một nước phong kiến thua kém các nước phương Tây về mọi mặt trở thành đế quốc hùng mạnh. Quân đội Nhật Bản cũng có sự "lột xác" rõ rệt.

img

Tranh vẽ về xã hội Nhật bản dưới thời Tokugawa. Ảnh: Chikanobu Toyohara

Trong quá khứ, Nhật Bản từng sở hữu lực lượng quân sự hùng mạnh, thậm chí được xem là cường quốc quân sự. Không ít người thắc mắc, điều gì khiến Nhật Bản, từ một quốc gia phong kiến, bế quan tỏa cảng, sau đó vươn mình trở thành cường quốc quân sự và bành trướng hoạt động ra nước ngoài. Loạt bài lần này sẽ làm rõ vấn đề đó và nhắc thêm về vũ khí cũng như đơn vị cảm tử đáng sợ mà đế quốc Nhật từng nắm trong tay. 

Giữa những năm 1800, Nhật Bản là một ví dụ hoàn hảo về việc quyền hành bị phân chia. Khi đó, nước Nhật có thiên hoàng - người sống ở Kyoto - nhưng quyền lực hoàng gia đã suy giảm dần trong nhiều thế kỷ. Thực quyền nằm trong tay shogun - một chức vụ của người chỉ huy quân sự hoặc tướng lĩnh ở Nhật Bản trước đây. 

Nhật Bản đã tách mình ra khỏi phần còn lại của thế giới vào những năm 1600. Người nước ngoài không được phép vào Nhật Bản. Tuy nhiên, sự kiện "Hắc thuyền" vào ngày 3/7/1853 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử. Sự kiện này nhắc đến việc phó đề đốc Matthew C. Perry của hải quân Mỹ đưa một hạm đội 4 tàu chiến vào vịnh Edo (nay là vịnh Tokyo) khi nhận lệnh viễn chinh Nhật Bản. Các tàu chiến Mỹ khi đó được sơn đen nên người Nhật gọi là "hắc thuyền". Sự kiện "Hắc thuyền" đã mở ra những ảnh hưởng từ bên ngoài tới Nhật Bản, gây ra cuộc đấu tranh dữ dội về quyền lực và thay đổi bên trong quốc gia này. 

Phản ứng của Nhật Bản với thế lực nước ngoài

Nước Nhật mà phó đề đốc Perry ghé qua năm 1853 vẫn là một nước phong kiến, giống châu Âu 500 năm trước đó. Các lãnh chúa phong kiến sống trong các lâu đài và kiểm soát phần lớn đất đai cũng như nông dân làm thuê. Shogun là người đứng đầu một gia tộc quyền lực. Người này nắm thực quyền, có thể sai khiến cả thiên hoàng. Người Nhật tin rằng thiên hoàng là hậu duệ của nữ thần mặt trời nhưng vào năm 1853, thiên hoàng Nhật Bản chỉ còn là một "ẩn sĩ hoàng gia" được tôn sùng. 

img

Tranh minh họa sự kiện "Hắc thuyền" 1853 ở Nhật Bản. Ảnh: History Extra

Sự xuất hiện của phó đề đốc Perry và các "hắc thuyền" cùng vũ khí hiện đại khiến Nhật Bản bị sốc. Người Nhật nhận ra rằng họ không thể chống lại những con tàu hiện đại của Mỹ. Bước đầu tiên mà Perry thực hiện là yêu cầu Nhật Bản mở một số cảng để cung cấp nước và than đá cho tàu chiến Mỹ. Shogun Nhật Bản khi đó là Tokugawa nhượng bộ và chấp thuận yêu cầu này. 

Các cường quốc phương Tây khác cũng cử tàu của họ tới Nhật Bản và Tokugawa không còn cách nào khác, buộc phải đáp ứng yêu cầu của các nước này.  Năm 1858, nhà ngoại giao Mỹ Townsend Harris đàm phán với Nhật một hiệp ước cho phép Mỹ có quyền tự do buôn bán ở một số cảng của quốc gia Đông Á. Ngoài ra, người Mỹ còn được hưởng lợi như hàng hóa Mỹ nhập đưa vào Nhật Bản chỉ chịu thuế ở mức thấp. Tòa án Nhật Bản không được xét xử người Mỹ. Nếu phạm tội ảnh hưởng tới người Nhật, người Mỹ sẽ bị xét xử ở một tòa án đặc biệt theo luật Mỹ. 

Cú sốc trước những đòi hỏi của các cường quốc nước ngoài gây ra một cuộc tranh giành quyền lực ở Nhật Bản. Người Nhật cảm thấy bị sỉ nhục vì các hiệp ước mà họ cho là bất bình đẳng. 

Một số gia tộc quyền lực nhất Nhật Bản đã thành lập phong trào chống đối shogun Tokugawa và kêu gọi thiên hoàng ủng hộ. Thiên hoàng Komei khi đó từ chối ủng hộ hiệp ước của Townsend. Tuy nhiên, Tokugawa đã phớt lờ thiên hoàng và tiếp tục ký các hiệp ước tương tự với Hà Lan, Nga, Anh và Pháp. 

Tokugawa sợ hãi trước thế lực của các nước phương Tây khi thấy Anh thâu tóm Hong Kong của Trung Quốc. Với các hiệp ước mới, Tokugawa hy vọng Nhật Bản có thể thoát cảnh bị các nước phương Tây xâu xé. 

"Ủng hộ thiên hoàng, trục xuất mọi rợ" là khẩu hiệu của phe đối lập. 

Khi phong trào phản đối của phe đối lập phát triển mạnh, những người nước ngoài ở Nhật Bản bị tấn công. Một nhóm samurai đã tấn công lãnh sự quán thương mại Anh ở Nhật Bản. Các tàu chiến liên hợp giữa Anh, Pháp, Hà Lan và Mỹ sau đó đáp trả bằng những màn bắn phá tuyến phòng thủ bờ biển của Nhật Bản. Hoạt động của phe đối lập phải tạm dừng.  

Nhật Bản vẫn bị chia rẽ sâu sắc. Một nhóm các lãnh chúa phong kiến ở phía tây Nhật Bản vẫn phản đối shogun. Họ ủng hộ và kỳ vọng thiên hoàng sẽ quét sạch "những kẻ ngoại bang man rợ". 

Tuy nhiên, thiên hoàng Komei sau đó qua đời vì bệnh đậu mùa. Ngày 13/2/1867, Mutsuhito - con trai thiên hoàng Komei - lên kế vị ở tuổi 15. Lực lượng đối lập nhân cơ hội này phản đối shogun và tuyên bố thiên hoàng là người nắm quyền duy nhất ở Nhật Bản. 

Shogun đã dẫn quân tới Kyoto để dẹp bỏ những người ủng hộ thiên hoàng Mutsuhito. Tuy đông hơn, nhưng quân đội của shogun chỉ được trang bị vũ khí thô sơ là kiếm và cung tên. Đội quân đông hơn đã thất thủ trước số ít quân trung thành với thiên hoàng nhưng được trang bị súng. Thất bại này đánh dấu sự kết thúc thời đại nắm quyền của các shogun.

"Lột xác" nhờ Duy Tân Minh Trị

Nhiều người ủng hộ cho rằng, thiên hoàng sẽ khôi phục lại chế độ phong kiến Nhật Bản và "quét sạch" những người ngoại quốc. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Các cố vấn của thiên hoàng Mutsuhito nhận ra rằng Nhật Bản cần bước vào thế giới hiện đại. Họ soạn thảo một tuyên bố về các nguyên tắc được gọi là Lời thề Hiến chương. Thiên hoàng Mutsuhito công bố Lời thề Hiến chương vào ngày 6/4/1868. 

Lời thề Hiến chương là một tuyên bố đáng chú ý, giúp đưa Nhật Bản chuyển mình từ chế độ phong kiến sang thế giới hiện đại. Tuyên bố này kêu gọi thành lập một hội đồng đại diện và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân "thực hiện nguyện vọng của họ". Lời thề Hiến chương cũng kêu gọi từ bỏ chế độ phong kiến và hướng đến một mô hình luật pháp giống phương Tây. Cuối cùng, tuyên bố này nói rằng, Nhật Bản sẽ cử người đi khắp thế giới để học hỏi con đường hiện đại hóa. 

Những người đứng đầu nước Nhật lúc đó nhận thấy sự yếu kém về quân sự và kinh tế của quốc gia này.  Họ bắt đầu một nỗ lực cực lớn để giành vị thế bình đẳng với Mỹ và các nước châu Âu. 

Khẩu hiệu ở Nhật thời điểm đó là "phú quốc, cường binh" (Tạm dịch: Đất nước giàu có, quân đội hùng mạnh). Nhật Bản thiết lập hệ thống trường học trên toàn quốc và khuyến khích phát triển ngành công nghiệp. 

Những người đứng đầu mới của Nhật Bản vẫn muốn hủy bỏ các hiệp ước mà họ cho là bất bình đẳng nhưng nhận ra rằng, muốn có được điều đó thì họ phải là quốc gia hùng mạnh trước. Đó là cách duy nhất để không bị phương Tây chèn ép. 

Thiên hoàng Mutsuhito lấy hiệu là Meiji (Minh Trị). Thiên hoàng Minh Trị dời đô từ Kyoto tới Edo. Ông đổi tên Edo thành Tokyo.  

img

Thiên hoàng Minh Trị. Ảnh: Famous People

Hiện đại hóa 

Các lãnh đạo mới của Nhật Bản tin rằng, cách nhanh nhất để có được bình đẳng với phương Tây là áp dụng cách thức phát triển của phương Tây. Thiên hoàng Minh Trị ủng hộ quan điểm này. 

Nhật Bản đã cử các nhóm nghiên cứu đặc biệt đến châu Mỹ và châu Âu để học hỏi cách thức phát triển của phương Tây. Nổi tiếng nhất trong số này là phái đoàn Iwakura, những người đã tới Mỹ và châu Âu từ năm 1871 đến 1873. Phái đoàn Iwakura gồm 50 nhà lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia chính phủ và sinh viên. 

Họ được diện kiến một số người nổi tiếng thời điểm đó như Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant hay nữ hoàng Anh Victoria. Ngoài ra, phái đoàn Iwakura còn được xem xét mọi thứ từ các nhà máy cho tới những cuộc đi săn cáo (thú tiêu khiển ở Anh thời đó). Họ kết luận rằng, Nhật Bản cần có kế hoạch lâu dài, làm việc có tổ chức và chăm chỉ để trở thành một quốc gia hiện đại. 

Thay đổi đã đến rất nhanh. Thời kỳ phong kiến kéo dài suốt 200 năm  nhanh chóng bị thay thế bởi một nhà nước trung ương. Thiên hoàng Minh Trị tạo điều kiện xây dựng một thể chế nhà nước mới. 

Trong 3 thập kỷ tiếp theo, Nhật Bản có các kế hoạch rất cụ thể. Họ thuê các kỹ sư và chuyên gia nước ngoài (yatoi) tới Nhật Bản làm việc. Chuyên gia Anh giúp xây dựng nhà máy, đường sắt và hải quân. Chuyên gia Pháp giúp xây dựng cơ sở cho bộ luật mới của Nhật Bản. Người Đức giúp huấn luyện quân đội Nhật Bản. Người Mỹ giúp Nhật Bản xây dựng và phát triển giáo dục công cộng. Theo một ước tính, có hơn 1.000 giáo viên người Mỹ đã tới dạy ở các trường học - được mở ra cho trẻ em thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. 

Quân đội thời Minh Trị

Giống với các cường quốc châu Âu, sức mạnh quân sự là cốt lõi trong việc xây dựng quốc gia ở Nhật Bản vào thế kỷ 19. Một năm sau khi áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc, những người sáng lập đế quốc Nhật Bản đặt nền móng cho việc thành lập quân đội hiện đại. 

Dù ban đầu còn gây nhiều tranh cãi, luật nhập ngũ với nam giới toàn quốc của Nhật Bản năm 1873 đã giúp nước này đảm bảo lực lượng trong quân đội. Năm 1877, Saigō Takamori - một samurai bất mãn với chính quyền Minh Trị - lãnh đạo cuộc nổi loạn cuối cùng của samurai ở Kyūshū. Khi quân của Takamori đối đầu với quân đội Nhật Bản, đôi bên đều có thương vong lớn và phải tạm dừng một thời gian để củng cố lực lượng. Nhưng nhờ luật nghĩa vụ quân sự, quân đội Nhật Bản nhanh chóng khôi phục lực lượng , trong khi quân của Takamori thì không. Sau đó, quân đội Nhật Bản dẹp yên quân samurai nổi loạn. 

Quan trọng hơn, bằng cách cho thanh niên Nhật Bản thuộc mọi tầng lớp mặc đồng phục, tập trận, huấn luyện, sinh hoạt cùng nhau, luật nghĩa vụ quân sự 1873 đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức về quốc gia. 

Sau chiến tranh Pháp - Phổ, quân đội hiện đại của Nhật Bản đi theo làn sóng chuyên nghiệp hóa quân sự hậu chiến tranh ở châu Âu. 

Tokyo thành lập một Bộ tổng tham mưu vào năm 1878 và thành lập trường Chiến tranh quân đội năm 1883. Chỉ thị của Hoàng gia với binh lính và thủy thủ năm 1882 đã tôn vinh vị trí đặc biệt của quân đội hiện đại Nhật Bản bằng cách nhấn mạnh mối quan hệ trực tiếp với thiên hoàng. Mối quan hệ đó được chính thức hóa vào năm 1890 khi Hiến pháp Minh Trị chỉ định thiên hoàng là tổng tư lệnh. 

Sức mạnh và vị thế

Dù chỉ là một đảo quốc, nhưng những người tiên phong trong quân đội Nhật Bản đều là các cựu samurai - những người ngay từ đầu đã là một lực lượng chiến đấu giỏi trên bộ. 

Đầu những năm 1880, tướng lục quân Nhật Bản Yamagata Aritomo bắt đầu chuyển đổi mô hình quân đội Nhật Bản từ kiểu Pháp (quy mô nhỏ, đơn vị đồn trú) sang kiểu Phổ (Đức - hoạt động quy mô lớn, cơ động, tự cung tự cấp, kết hợp bộ binh, kỵ binh, pháo binh, công binh và quân tiếp tế. 

Trong thời kỳ Minh Trị, Nhật Bản ban đầu vẫn rất tín nhiệm các cố vấn quân sự Pháp. Tuy nhiên, khi Pháp thua Phổ năm 1871, các cố vấn Phổ được tín nhiệm hơn. 

Với sự giúp đỡ của các cố vấn Phổ, quân đội Nhật Bản từ một mô hình quân đội trong nước trở thành một đội quân hùng mạnh, hiện đại sẵn sàng chinh chiến ở nước ngoài. 

Năm 1885, Klemens Wilhelm Jacob Meckel, một thiếu tá Phổ, cố vấn cho Nhật Bản một mục tiêu chiến lược mới. Ông Meckel nhấn mạnh, bán đảo Triều Tiên (khi đó còn chưa tách thành Hàn Quốc và Triều Tiên như ngày nay) là "con dao găm cắm vào trái tim" Nhật Bản. Chỉ cần một nước thứ 3 kiểm soát được bán đảo này, an ninh của Nhật Bản sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. 

Với danh nghĩa bảo vệ độc lập của bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản tiến hành chiến tranh với Trung Quốc (1894-1895) và chiến tranh với Nga (1904-1905). Quân đội Nhật Bản đều chiến thắng ở 2 cuộc chiến này. Không những vậy, đế quốc Nhật Bản hoàn toàn biến bán đảo Triều Tiên thành thuộc địa bằng một hiệp ước năm 1910. 

img

Quân đội Nhật Bản dưới thời Minh Trị 1894 áp đảo quân Mãn Châu, Trung Quốc. Ảnh: Alamy

Giữa những năm 1880, quân đội hiện đại của Nhật Bản xác định ổn định lục địa là ưu tiên chiến lược và ủng hộ mở rộng lực lượng lục quân cũng như hải quân nước này. Trước năm 1886, Nhật Bản có 8 tàu chiến hiện đại. Tới năm 1903, hải quân Nhật Bản sở hữu 73 tàu chiến hiện đại. Trong và ngay sau chiến tranh Trung - Nhật lần 1, chi tiêu quốc phòng của Nhật tăng lên, chiếm 63,2% ngân sách quốc gia.

Các chiến thắng quân sự quan trọng trước Trung Quốc, Nga và bán đảo Triều Tiên giúp đưa Nhật Bản lên đỉnh cao quyền lực chính trị. Quân đội Nhật Bản lên kế hoạch đầy tham vọng cho tương lai. 

Kế hoạch phòng thủ quốc gia 1907 vạch ra sự "mở rộng ổn định" các lợi ích của Nhật Bản ở Mãn Châu (Trung Quốc), bán đảo Triều Tiên, thậm chí ở cả khu vực Nam Á và tây Thái Bình Dương. Kế hoạch này kêu gọi tăng cường lớn cho quân đội Nhật Bản từ 13 lên 25 sư đoàn thường trực với lục quân và 2 hạm đội chiến đấu, mỗi hạm đội có 8 tàu chiến, với hải quân. 

Quan trọng nhất, cách thức kế hoạch này được phê duyệt cho thấy rõ quyền tự chủ quân sự. Kế hoạch này do quân đội soạn thảo và trình lên thiên hoàng. Thiên hoàng đưa cho nội các phê chuẩn mà không cần sửa đổi. 

______________

Khó có thể hình dung nước Nhật hiền hòa ngày nay từng có thời khiến cho nhiều nước phải khiếp sợ, sánh ngang với những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới về quân sự. Mời bạn đón đọc bài kỳ sau, xuất bản sáng 24.10 trên mục Thế giới để tìm hiểu cụ thể hơn về sức mạnh khủng khiếp một thời của Nhật Bản.